Thông tin Bộ TT-TT phối hợp với Bộ VH-TTDL xây dựng một danh sách đen và danh sách trắng những nghệ sĩ có ảnh hưởng trên mạng xã hội nhằm quản lý tốt hơn hoạt động của nghệ sĩ đang nhận được sự ủng hộ tích cực của dư luận.
Theo đó, danh sách trắng là những nghệ sĩ không vi phạm quảng cáo sai sự thật, chọn lựa những sản phẩm phù hợp, chất lượng để quảng cáo. Còn danh sách đen là những nghệ sĩ vi phạm trong quảng cáo, quảng cáo sai sự thật, bất chấp chất lượng sản phẩm.
Thực tế, tình trạng nghệ sĩ vi phạm trong quảng cáo đã xảy ra từ lâu, khiến dư luận khá bức xúc. Không ít người vì tin tưởng nghệ sĩ đã mua dùng những sản phẩm được quảng cáo để rồi sau đó “tiền mất tật mang”. Nghệ sĩ vì lợi nhuận đã không tìm hiểu, nghiên cứu kỹ sản phẩm, dùng lời lẽ mỹ miều để tán dương sản phẩm mặc dù bản thân chưa hề dùng thử hoặc tìm hiểu xem sản phẩm đó có đủ tiêu chuẩn hay không.
Đáng nói là sau khi bị phát giác quảng cáo cho sản phẩm kém chất lượng, nhiều nghệ sĩ thường “phớt lờ” dư luận và tiếp tục tái phạm khi nhận lời quảng cáo, giới thiệu sản phẩm tương tự trên trang cá nhân có lượng người theo dõi đông đảo. Chỉ một số ít nghệ sĩ dũng cảm nhận lỗi và có sự chọn lọc kỹ càng hơn khi tham gia quảng cáo.
Nghệ sĩ là người của công chúng, nhất là với những nghệ sĩ nổi tiếng, lượng khán giả theo dõi và tương tác trên mạng rất cao, có khi lên tới hàng triệu người. Do vậy, nhất cử nhất động của họ đều được công chúng biết, thậm chí còn là đề tài béo bở cho nhiều kênh thông tin khai thác lại, trở thành hottrend trên mạng với lượt tìm kiếm “khủng”. Nhiều nghệ sĩ đã làm giàu nhờ quảng cáo trên trang cá nhân bằng việc live stream giới thiệu sản phẩm. Đây là kênh kiếm thêm thu nhập chính đáng của nghệ sĩ nhưng với điều kiện sản phẩm quảng cáo đó phải đảm bảo chất lượng, còn nếu nghệ sĩ bất chấp mà quảng cáo sai sự thật thì bắt buộc phải có khung xử phạt rõ ràng để nghệ sĩ không tái phạm được nữa.
Năm 2021, Bộ VH-TTDL đã ban hành Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL về quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội. Theo đó, tại Khoản 4, Điều 9 Quy tắc ứng xử khi tham gia các hoạt động xã hội khác có nêu rõ: "Tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường". Tuy nhiên, việc thực hiện quy tắc này hiện còn rất hạn chế.
Vì vậy, việc Bộ TT-TT và Bộ VH-TTDL cùng “bắt tay” để xây dựng quy trình xử lý với nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật được dư luận rất mong chờ.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin