Báo Đồng Nai điện tử
En

Để văn hóa trở thành động lực nội sinh quan trọng

Hải Yến
07:26, 24/10/2023

Đồng Nai hiện có khoảng 3,3 triệu dân thuộc hơn 50 dân tộc anh em cùng sinh sống. Quá trình hình thành, phát triển của Đồng Nai gắn liền với quá trình di dân, du nhập, chiêu mộ, mở cõi từ Bắc vào Nam và từ nước ngoài vào. Chính điều này đã tạo nên một Đồng Nai với diện mạo văn hóa phong phú, đa dạng.

Diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn trong chương trình Bác Hồ một tình yêu bao la
do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức. Ảnh: H.Yến
Diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn trong chương trình Bác Hồ một tình yêu bao la do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức. Ảnh: H.Yến

Làm thế nào để phát huy các giá trị văn hóa, biến văn hóa thành động lực nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đang là vấn đề được đặt ra.

* Những mảng màu văn hóa đặc sắc

Lấy cột mốc năm 1698 khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử vào kinh lược vùng đất Đồng Nai, đến nay Đồng Nai có “tuổi đời” 325 năm.

Trước đó, từ năm 1679, một nhóm người Hoa theo chân tướng Trần Thượng Xuyên chạy loạn từ Trung Quốc sang thần phục nhà Nguyễn và được chúa Nguyễn cho phép đến vùng đất Đông Phố (nay là Đồng Nai) sinh sống. Nhưng từ trước khi những đoàn người từ miền Bắc, miền Trung xuôi vào Nam trong hành trình mở cõi hay nhóm người Hoa chọn mảnh đất này là quê hương thứ 2 thì cư dân cổ ở Đồng Nai đã sinh sống ở đây từ hàng ngàn năm trước. Các dân tộc ở Đồng Nai gồm: Mạ, Chơro, S’tiêng, K’ho…

Sau năm 1975, nhiều nhóm người từ miền Bắc di cư vào Đồng Nai lập nghiệp, trong đó có các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số như: Mường, Dao, Thái, Tày, Nùng... Đến nay, Đồng Nai có hơn 50 dân tộc anh em cùng nhau chung sống. Các dân tộc di cư đến Đồng Nai cùng với các dân tộc ở đây đã tạo nên một diện mạo văn hóa Đồng Nai rất phong phú, đặc sắc. Mỗi dân tộc có những đặc trưng văn hóa riêng biệt. Nhưng quá trình sinh sống cộng cư giữa các dân tộc đã tạo nên sự giao lưu, tiếp biến văn hóa. Những yếu tố văn hóa gốc được pha trộn với văn hóa của vùng đất phương Nam, vùng đất trù phú, phóng khoáng với tinh thần hội nhập của các dân tộc.

Hôm nay, 24-10, UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Thực hiện Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa. Các bài tham luận, ý kiến trong hội thảo sẽ là nguồn tham khảo quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của tỉnh. Qua đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng đưa Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, văn hóa Đồng Nai thấm sâu vào tâm trí các tầng lớp nhân dân…

Trải qua thời gian, giá trị văn hóa gốc của các dân tộc vẫn được lưu giữ và ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò. Hàng năm, Đồng Nai có nhiều lễ hội đáng chú ý: kễ Kỳ yên của người Kinh, lễ Sayangva của người Chơro, lễ hội chùa Ông của người Hoa, lễ Yang Koi - mừng lúa mới của người Mạ, lễ tháng Ramadam của người Chăm, tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer…

* Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Không chỉ được lưu giữ, bảo tồn và thực hành văn hóa trong thực tiễn đời sống, các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống của Đồng Nai đã được sân khấu hóa để biểu diễn. Hoạt động này nhằm góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của Đồng Nai đến công chúng cả nước.

Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai Đồng Thị Quế Anh cho biết: “Để bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, các tác phẩm nghệ thuật cần phải gắn với hơi thở thời đại; bởi chỉ khi tác phẩm nghệ thuật truyền thống mang hơi thở thời đại thì mới thu hút được sự chú ý và được công chúng, khán giả đón nhận. Nghệ sĩ cũng có thể phản biện xã hội thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, qua đó góp phần đấu tranh với những luận điệu sai trái, đấu tranh với những tiêu cực trong xã hội để nâng cao giá trị chân - thiện - mỹ”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, để giữ gìn và tạo nên những giá trị văn hóa nghệ thuật cao cần phải chú trọng cả việc phát triển văn hóa nghệ thuật đại chúng và nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp. Theo đó, văn hóa đại chúng muốn phát triển thì phải củng cố và đầu tư các thiết chế văn hóa cơ sở để từng xã, từng ấp đều có những điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thông qua đó từng dân tộc, từng cụm dân cư có điều kiện thuận lợi thể hiện và truyền bá văn hóa của cộng đồng mình.

Các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống được sân khấu hóa góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc đến với công chúng. Trong ảnh: Một tiết mục ca múa do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn. Ảnh: Huy Anh
Các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống được sân khấu hóa góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc đến với công chúng. Trong ảnh: Một tiết mục ca múa do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn. Ảnh: Huy Anh

Bên cạnh đó, văn hóa tinh hoa, nghệ thuật cao cấp, biểu diễn sân khấu cũng cần được chú trọng. Để làm được điều này thì cần có cơ sở đào tạo những hạt nhân về văn hóa nghệ thuật để có những ca sĩ, những diễn viên, những người am hiểu về văn hóa để biểu diễn, tổ chức những hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân. Hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp nhằm truyền bá những nghệ thuật đẳng cấp đến với người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay, Tỉnh ủy ủng hộ những hoạt động thực tiễn sáng tác của các văn nghệ sĩ. Trong đó, đội ngũ sáng tác cần có kiến thức sâu về các lĩnh vực, tăng hoạt động trải nghiệm thực tế để sáng tác được những tác phẩm sát với thực tiễn đời sống và có giá trị nghệ thuật cao.

NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho hay, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ trong tỉnh đi giao lưu, trao đổi về hoạt động nghệ thuật. Qua đó, giới thiệu tác giả, tác phẩm về vùng đất, con người, lịch sử, văn hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai. Hoạt động này đã tạo được dấu ấn  tốt trong công chúng.

* Làm sao để “biến di sản thành tài sản”?

Mới đây, Sở VH-TTDL đã tổ chức chương trình khảo sát và triển khai tư vấn, đề xuất phát triển mô hình du lịch dựa vào cộng đồng gắn với nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai. Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (TP.HCM) đã đề xuất một số điểm đến du lịch gắn liền với văn hóa như:  Làng văn hóa - du lịch Tân Triều (H.Vĩnh Cửu); Không gian văn hóa - du lịch Tà Lài (H.Tân Phú); Không gian văn hóa - du lịch cộng đồng Việt - Mường.

Trên thực tế, Đồng Nai đã và đang thúc đẩy các mô hình phát triển kinh tế gắn liền với văn hóa bởi văn hóa luôn là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách. Phát triển du lịch gắn với văn hóa không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tạo sinh kế bền vững cho người dân - chủ thể của văn hóa, đồng thời bảo tồn được bản sắc văn hóa vốn có của mình.

Nghệ nhân làm gốm ở lò gốm Hiến Nam - TP.Biên Hòa
Nghệ nhân làm gốm ở lò gốm Hiến Nam - TP.Biên Hòa

Trao đổi về việc làm thế nào để biến di sản văn hóa thành tài sản, TS Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai trăn trở, ông lấy làm tiếc là khi gốm Đồng Nai cũng nổi tiếng như gốm Bát Tràng, nhưng gốm Bát Tràng có thể phát triển làng nghề để biến di sản thành tài sản, phát triển du lịch dựa vào di sản. Trong khi đó, Đồng Nai có nhiều lợi thế nhưng lại không phát triển được làng nghề và không phát triển được du lịch theo kiểu du lịch làng nghề.

TS Cường cho hay: “Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã xin phép và được UBND tỉnh cho phép phối hợp cùng Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, Sở VH-TTDL và TP.Biên Hòa tổ chức triển lãm gốm Biên Hòa trong tháng 11 tới đây. Hoạt động này nhằm định danh gốm Biên Hòa trong so sánh, đối chiếu với các làng nghề gốm nổi tiếng của Việt Nam như: gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng, gốm Bầu Trúc để nhìn thấy giá trị riêng có của gốm Biên Hòa”.

Biến di sản văn hóa trở thành tài sản, tạo ra sinh kế và thu nhập bền vững cho người dân chính là cách làm hiệu quả để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng làm thế nào để ý tưởng này trở thành hiện thực, đó là trăn trở của những người làm văn hóa, đồng thời cũng là vấn đề được đặt ra cho những người làm công tác quản lý.

Hải Yến

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích