Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều gợi mở để phát triển văn hóa Đồng Nai

Hải An
22:00, 24/10/2023

Sáng 24-10, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học Thực hiện Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đây là diễn đàn quan trọng, giúp Đồng Nai vận dụng sáng tạo, phát huy giá trị của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và các nhà khoa học tham dự hội thảo
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và các nhà khoa học tham dự hội thảo. Ảnh: H.AN

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng và PGS-TS Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Hội đồng Trường đại học Văn hóa TP.HCM đồng chủ trì hội thảo.

Soi chiếu Đề cương văn hóa Việt Nam

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng khẳng định, hội thảo khoa học này là diễn đàn quan trọng để chúng ta tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với công cuộc xây dựng, chấn hưng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đặc biệt, kế thừa, phát huy và lan tỏa những giá trị to lớn, bền vững của bản đề cương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, các ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan, đơn vị tại hội thảo đã tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với công cuộc xây dựng, chấn hưng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhiều ý kiến tại hội thảo khoa học Thực hiện Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững nhằm tập trung các giải pháp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để yếu tố văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, văn hóa, con người Đồng Nai thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc, là mục tiêu, là động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của tỉnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo. 

Hội thảo là dịp để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt của văn hóa, con người, vùng đất Đồng Nai, xác định mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, truyền thống văn hóa, lịch sử hơn 325 năm của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

TS Nguyễn Thị Kim Liên, Học viện Chính trị khu vực II khẳng định: “Những giá trị của bản đề cương là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối, tư tưởng của Đảng, là kim chỉ nam trong công cuộc chấn hưng văn hóa nước nhà”.

Để tiếp tục vận dụng sáng tạo, hiệu quả những nội dung của đề cương và những chủ trương của Đảng, theo TS Nguyễn Thị Kim Liên, trong thời gian tới, Đồng Nai cần phải quan tâm hơn một số vấn đề như: xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai trong thời đại mới; thấm nhuần quan điểm con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển và phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới.

Bên cạnh đó, quan tâm nhiều hơn tới vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, huy động mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; luôn xem “văn hóa là một mặt trận” và người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa phải đấu tranh lên án những điều xấu xa trong xã hội, đồng thời bênh vực, lan tỏa những giá trị, chuẩn mực về chân - thiện - mỹ.

Nhiều giải pháp cho phát triển văn hóa Đồng Nai

Hội thảo đã nhận được 26 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý trên nhiều lĩnh vực. Ngoài các bài tham luận, hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất, giải pháp của các đại biểu. Trong đó tập trung các nội dung như: xây dựng con người Đồng Nai phát triển toàn diện; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể thao góp phần xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh cho người dân; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh; chủ động quảng bá, chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa trong nước và thế giới; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…

PGS-TS Huỳnh Văn Tới cho biết, hội thảo đã thu nhận được nhiều ý kiến từ nhiều góc nhìn về phát triển văn hóa, xây dựng con người, xây dựng hệ thống giá trị con người, bảo tồn di sản, phát huy các nguồn lực văn hóa, xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, xây dựng văn hóa trong bối cảnh phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển văn hóa gắn với du lịch…

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã có nhiều gợi mở về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững ở Đồng Nai. Theo đó, Đồng Nai cần xác định rõ lợi thế về di sản văn hóa so với các tỉnh miền Đông Nam bộ để có giải pháp về chiến lược bảo tồn gắn với phát triển bền vững.

Theo đó, di sản văn hóa, tài nguyên du lịch của Đồng Nai rất giàu có và đa dạng. Tuy nhiên, chúng ta chưa có những quyết sách hoặc chiến lược để kiến tạo tài nguyên thành sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cả về kinh tế lẫn văn hóa để tương xứng với yêu cầu phát triển của tỉnh nói chung và thành phố công nghiệp Biên Hòa nói riêng. Ông cho rằng, đây là sự lãng phí tài nguyên, cần sớm được khắc phục.

Việc xác định được một hệ giá trị văn hóa mang tính đặc thù cho Đồng Nai, không chung chung, không trùng lặp với các địa phương khác và đem lại hiệu quả thiết thực là điều cần thiết. Để làm được điều này, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, giảng viên cao cấp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đề xuất, Đồng Nai nên gấp rút thực hiện một đề tài khoa học nghiên cứu hệ giá trị văn hóa - con người Đồng Nai, từ đó mới có cơ sở khách quan để xác định được một hệ giá trị văn hóa - con người mang tính đặc thù cho Đồng Nai, tạo ra nguồn lực giúp Đồng Nai phát triển kinh tế - xã hội,   đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển văn hóa.

PGS-TS Huỳnh Văn Tới có tham luận Phát huy nguồn lực văn hóa ở Đồng Nai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; TS Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai có bài tham luận về Giáo dục thẩm mỹ trong đào tạo và định hướng sáng tác ở nhà trường; Trường đại học Đồng Nai cũng có bài tham luận về Đào tạo nhân lực sư phạm trong lĩnh vực nghệ thuật phục vụ cộng đồng ở Đồng Nai; Trường cao đẳng Hòa Bình - Xuân Lộc có bài tham luận Đề xuất các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…    

Hải An

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH:
Tin tưởng vào đội ngũ làm công tác văn hóa

Tôi tin rằng, với một tỉnh có bề dày lịch sử 325 năm hình thành và phát triển, giàu truyền thống cách mạng, nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi đất phương Nam, đội ngũ cán bộ lãnh đạo văn hóa tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Đảng, với Tổ quốc, với Đồng Nai vì sự phát triển chung của tỉnh. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển bền vững mang tầm cỡ khu vực và trong nước, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch Đồng Nai tăng tốc, cất cánh cùng sân bay Long Thành trong thời gian tới.

PGS-TS NGUYỄN NGỌC THƠ:

Mong muốn lan tỏa tinh thần hào khí Đồng Nai

Với vị thế vùng đất văn hiến 325 năm và là “bàn đạp”, “nền tảng” cho sự lan  tỏa và hình thành dòng chảy văn hóa Nam bộ, Đồng Nai - Gia Định sớm trở thành chiếc nôi và là điểm hội tụ của tinh thần phương Nam của bao lớp dân Việt. Đồng Nai mang trong mình khí chất hào hùng (hào khí Đồng Nai), được nuôi dưỡng và khai thông qua sự cống hiến của bao lớp quan viên, văn nhân, nghệ sĩ, người trí thức và người dân lao động. Vì thế, Đồng Nai sau hơn 3 thế kỷ vẫn giữ được phong thái dung hòa sự đa dạng, hồn cốt văn hiến, tinh thần tiên phong và phong cách hiện đại.

Chúng tôi mong muốn Đồng Nai tiếp tục giữ vững hào khí của mình, tiếp tục thổi hồn văn hóa cho hết thảy vùng Nam bộ qua việc lựa chọn phương thức và kỹ thuật thể hiện/tái hiện văn hóa truyền thống và lan tỏa tinh thần hào khí Đồng Nai - hào khí Nam bộ trong mọi phương diện của đời sống đương đại.

Tường Vi (ghi)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích