Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa

Minh Ngọc
08:22, 28/10/2023

Hội thảo khoa học Thực hiện Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững do UBND tỉnh tổ chức vừa qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu trên lĩnh vực văn hóa tham dự. Những ý kiến đóng góp tại hội thảo là căn cứ quan trọng để Đồng Nai bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0.

Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, để phát triển văn hóa, con người Đồng Nai trong những năm tới, tỉnh cần chú trọng đầu tư, phát triển công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa. Số hóa các di sản văn hóa, các nguồn tài nguyên văn hóa nhằm tạo dựng nguồn dữ liệu số đầy đủ, hấp dẫn về văn hóa, con người Đồng Nai.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh theo định hướng của ngành kinh tế số. Xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và hành lang pháp lý nhằm khuyến khích phát triển thị trường văn hóa số, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian số. Có các biện pháp hạn chế, ngăn chặn những ảnh hưởng, tác động từ mặt trái, mặt tiêu cực của quá trình chuyển đổi số đến đời sống xã hội, nhất là với văn hóa, con người, đặc biệt là giới trẻ. Xác lập quyền lực mềm quốc gia và sức mạnh mềm của quê hương Đồng Nai bằng văn hóa, con người với các chính sách phát triển hợp lý, trên cơ sở các giá trị đặc sắc, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

PGS-TS Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Hội đồng Trường đại học Văn hóa TP.HCM nhìn nhận, trong bối cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh sôi động, mặt trái của nó thu hút con người theo lợi ích riêng, văn hóa truyền thống bị biến đổi, cá tính hiện đại xa rời truyền thống của cộng đồng, tệ nạn xã hội và yếu tố phản văn hóa tràn lan, mạng xã hội và công nghệ thông tin thời đại 4.0 tác động mạnh mẽ khiến việc học hành, rèn luyện, giải trí của con người sa vào “ảo hóa” hơn là sáng tạo văn hóa. Do đó, cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở mọi gia đình, cộng đồng, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội phù hợp với nhiệm vụ chính trị và bối cảnh phát triển kinh tế thị trường; gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái; đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân và các hoạt động giáo dục của xã hội, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người phát triển toàn diện về nhân cách. Theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, cần đưa nội dung cơ sở văn hóa Việt Nam vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, làm cho văn hóa thấm sâu, tỏa sáng ở mọi lĩnh vực.

Một trong những giải pháp được Đồng Nai đặc biệt chú trọng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thời gian tới là đầu tư phương tiện, thiết bị công nghệ nhằm tăng hiệu ứng của di sản văn hóa, nhất là các di tích lịch sử, kiến trúc. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân để đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ trưng bày, triển lãm di sản văn hóa tại di tích, bảo tàng, đặc biệt là công nghệ thực tế ảo, số hóa hiện vật, tài liệu, di sản văn hóa phục vụ nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách tại bảo tàng, di tích.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích