Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng hệ giá trị văn hóa - con người Đồng Nai trong thời đại mới

Hải Yến
07:31, 25/10/2023

Để văn hóa phát huy vai trò “soi đường cho quốc dân đi” trong bối cảnh phát triển, hội nhập ngày nay thì hệ giá trị văn hóa - con người cần được xác định rõ, đồng thời được bổ sung, xây dựng phù hợp với thực tiễn. Điều này cũng đúng với tinh thần coi con người là trung tâm và là động lực của phát triển.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ hai từ phải qua) trao đổi với các nhà khoa học bên lề hội thảo. Ảnh: H.YẾN
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ hai từ phải qua) trao đổi với các nhà khoa học bên lề hội thảo. Ảnh: H.YẾN

Con người và hệ giá trị của Đồng Nai, điều gì đã làm nên một Đồng Nai nổi bật đối với các nhà đầu tư, du khách, người dân, người lao động về một “điểm đến” khởi nguồn của “hội tụ và lan tỏa” trong suốt thời gian qua? Đó là câu hỏi được đặt ra và cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý tại hội thảo Thực hiện Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng: “Đồng Nai là điểm khởi phát và lan tỏa của dòng chảy văn hóa Nam bộ. Trong mối quan hệ tổng thể của văn hóa Nam bộ, văn hóa Đồng Nai thể hiện nổi trội các đặc trưng tiêu biểu: đa dạng, văn hiến, tiên phong và đang trên đường hướng tới hiện đại - văn minh”.

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, Đồng Nai cho tới nay được người Nam bộ biết đến là miền đất đa dạng tín ngưỡng - tôn giáo với nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian Việt, người Hoa, người Chơro, người Mạ, người Tày, người Nùng, người Thái; đa dạng tư tưởng - tôn giáo: Nho, Phật, Công giáo, Tin lành và cả Islam giáo. Các cộng đồng dân tộc, các cộng đồng tôn giáo sinh sống chan hòa, nương tựa nhau cùng tạo nên một bức tranh văn hóa Đồng Nai đa dạng, dung hòa, hội tụ và lan tỏa. Các thuộc tính này vừa là điều  kiện tích cực, vừa là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế không chỉ của riêng Đồng Nai mà của cả vùng Đông Nam bộ.

PGS-TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Văn hóa TP.HCM cho rằng, vấn đề xây dựng văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ chung, tổng thể. Tuy nhiên, mỗi vùng miền, dân tộc cần xây dựng các chuẩn mực ấy trên nền tảng giá trị văn hóa cộng đồng địa phương. Việc xây dựng những giá trị chuẩn mực mang tính bản sắc của dân tộc, vùng miền để con người khi đến nơi đó phải tôn trọng sự khác biệt, học hỏi và hội nhập. Có như vậy, việc kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng mới có thể hài hòa, bền vững.

Đề cao giá trị của văn hóa truyền thống, PGS-TS Lâm Nhân hy vọng Đồng Nai phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong hội nhập. Đồng thời, nhận diện được những giá trị, mang bản sắc văn hóa địa phương để các cộng đồng khác tôn trọng, học hỏi trong bối cảnh hội nhập, đa văn hóa như hiện nay.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, để phát triển văn hóa, con người Đồng Nai trong những năm tới, tỉnh cần tập trung xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu có bản sắc đất và người Đồng Nai; khơi dậy khát vọng phát triển quê hương Đồng Nai ngày càng đổi mới, tiến bộ, giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Cần tìm đúng “bệnh” để “bốc thuốc, kê đơn”

Xem việc xây dựng hệ giá trị văn hóa - con người như việc chẩn bệnh, bốc thuốc, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, giảng viên cao cấp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đề xuất quy trình xây dựng hệ giá trị gồm 4 bước: định gốc (xác định hệ giá trị truyền thống); chẩn bệnh (nghiên cứu thực trạng biến đổi của hệ giá trị truyền thống trong giai đoạn hiện tại để xác định các điểm yếu phái sinh nhằm làm căn cứ đề xuất các giải pháp cải thiện chúng); kê đơn (xác định mục tiêu kỳ vọng của hệ giá trị định hướng); bốc thuốc (xác lập danh sách các giá trị định hướng).

Trong quy trình nêu trên, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, bước thứ 2 là quan trọng nhất, mang tính quyết định. Bởi nếu không nhìn thẳng vào sự thật, tìm cho được những điểm yếu để khắc phục thì việc xây dựng mục tiêu cũng sẽ sai hướng, tương tự như việc chẩn bệnh sai sẽ dẫn đến kê đơn sai khiến bệnh không những không khỏi mà có khi còn nặng hơn.

Từ góc nhìn lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, Đồng Nai có rất nhiều yếu tố để phát triển thành một trung tâm lớn. Theo ông, Đồng Nai không chỉ là một địa danh hành chính, mà còn là tên gọi của cả một vùng văn hóa. Để phát huy giá trị văn hóa - con người Đồng Nai trong phát triển kinh tế - xã hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Các nhà lãnh đạo phải nhận thức được vị thế của Đồng Nai trong tổng thể, ít nhất là trong vùng Nam bộ, chứ chưa nói cả nước. Về giáo dục, cần làm sao để người dân Đồng Nai biết tự hào về lịch sử, văn hóa của vùng đất mình, đi cùng với đó là trách nhiệm của bản thân đối với nơi mình sinh sống”.

Hải Yến

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích