Một trong 4 mục tiêu mà Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Chính phủ đặt ra là hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) có tiềm năng, lợi thế.
CNVH được xác định gồm các lĩnh vực: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; phát thanh và truyền hình; du lịch văn hóa. Ngành công nghiệp này hiện là “con gà đẻ trứng vàng” cho nhiều quốc gia biết khai thác lợi thế về văn hóa. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây còn là lĩnh vực khá mới mẻ và chưa có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đơn cử như trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, dù nước ta có nhiều loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa riêng mà nếu triển khai tốt, nhất là kết hợp với du lịch văn hóa, đây sẽ là nguồn tài nguyên đem lại lợi ích lớn cho đất nước. Thế nhưng, hoạt động biểu diễn sôi động đa phần chỉ diễn ra ở một vài thời điểm, ở một vài thành phố lớn, còn lại khá trầm lắng, chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí của người dân.
Tại diễn đàn Quốc hội, mới đây đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) cho rằng, dư địa phát triển văn hóa, trong đó có biểu diễn nghệ thuật ở nước ta khá lớn. Bằng chứng là vừa qua nhóm nhạc Blackpink (Hàn Quốc) sang Việt Nam biểu diễn chỉ 2 đêm đã thu về 13 triệu USD. Trong chiến lược phát triển CNVH phê duyệt năm 2016, chúng ta đề ra con số phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 16 triệu USD, đến năm 2030 là 31 triệu USD.
Như vậy, chỉ 2 đêm diễn của Blackpink đã được non nửa con số mà chúng ta phấn đấu của tổng thu nghệ thuật biểu diễn đến năm 2030. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cũng tiết lộ khi vào làm việc tại Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, ông được biết thêm thông tin, do các sân vận động của thành phố không đủ tiêu chuẩn nên nhóm nhạc này đã không biểu diễn ở đây thêm 2 đêm nữa. Nếu có thêm 2 đêm diễn ở TP.HCM cùng với 2 đêm diễn ở Hà Nội, một nhóm nhạc Hàn Quốc đã thu được số tiền bằng chúng ta phấn đấu đến năm 2030, thậm chí là vượt.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, song đây quả thực là điều rất đáng suy ngẫm. Làm sao để biến dư địa phát triển văn hóa thành những con số doanh thu là bài toán không dễ dàng, nhất là với mỗi địa phương. Bởi phát triển sản phẩm, dịch vụ CNVH phải kết hợp được nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là tính độc đáo, có thương hiệu riêng trên từng lĩnh vực, loại hình. Chúng ta chưa làm được điều này một cách hiệu quả, do đó vẫn chưa khai thác, phát huy những tiềm năng và các giá trị đặc sắc của văn hóa một cách tốt nhất. Vì vậy, đây vẫn là vấn đề cần sự đầu tư một cách chiến lược, bài bản hơn nữa trong thời gian tới.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin