Báo Đồng Nai điện tử
En

Triết lý nhân sinh trong Chuyện làng trên mạng

Trần Bảo Định
09:01, 19/12/2023

Nhà văn, TS Phạm Ngọc Hiền (giảng viên Trường đại học Sài Gòn) có số lượng tác phẩm lớn, thuộc nhiều thể loại: nghiên cứu; lý luận, phê bình văn học; sáng tác thơ, văn. Năm 2023, ông xuất bản tập truyện ngắn Chuyện làng trên mạng (NXB Tổng hợp ấn hành).

Bìa sách Chuyện làng trên mạng của tác giả Phạm Ngọc Hiền. Ảnh: T.B.Định
Bìa sách Chuyện làng trên mạng của tác giả Phạm Ngọc Hiền. Ảnh: T.B.Định

Tập sách gồm 193 truyện “mini” nhưng giá trị tiềm tàng không “mini”. Diễn ngôn nghệ thuật của Chuyện làng trên mạng chứa đựng nhiều triết lý lịch sử - nhân sinh muôn thuở, vừa có giá trị thời sự xã hội, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo.

* Từ cảm hứng lịch sử…

Tập truyện mini Chuyện làng trên mạng bao gồm những mẩu chuyện ngắn rất ngắn - chỉ là những lát cắt đời sống thoáng qua. Bạn cũng có thể xem đây là những gợi mở gãy gọn. Tuy nhiên, những gợi mở rất nhỏ của Phạm Ngọc Hiền lại có thể giúp bạn đọc nhận ra những vấn đề “huyền thoại hóa” trong thời hiện đại.

Nhiều truyện trong tập sách được phát triển dựa trên các nhân vật lịch sử có thật. Cho phép hoài Lê nói về chuyện vua Minh Mạng cho phép lưu hành thơ Bà Huyện Thanh Quan; Đất Nam Hà là của ai cho thấy sự phức tạp về chính trị thời chúa Trịnh; Hòa bình tức là chiến tranh cho biết lý do Lão Tử chạy khỏi nước Tần; Huân chương sa mạc bội tinh kể chuyện chinh chiến của Thành Cát Tư Hãn; Không có lập trường nhắc tới vụ đảo chính Ngô Đình Diệm...

Phạm Ngọc Hiền có xu hướng giải thích lại hoặc phiếm luận bên lề các nhân vật lịch sử này. Hoặc giả, cảm hứng lịch sử khơi gợi từ các nhân vật này chỉ là móc treo để nhà văn đính vào đó nhãn quan lịch sử thời đại và gieo vào lòng bạn đọc những suy nghĩ mà ông không tiện nói ra:

“Thời Tam Quốc, nước Thục và Ngô là liên minh thân thiết. Năm 222, hai vua bỗng giận hờn, kéo binh đánh nhau. Quân Thục đi ngang qua làng và giết chết một lính Ngô. Một cụ già nhỏ nước mắt xót thương người xấu số. Hôm sau, quân Ngô phản công giết chết một lính Thục. Cụ già nọ cũng khóc thương. Thấy vậy, có cậu bé hỏi: “Tại sao ông khóc cho cả hai phe?”. Cụ già nói: “Những người lính này đều là nạn nhân của vua chúa, nên ta thương xót cho cả hai” (Khóc cho cả hai phe).

Phạm Ngọc Hiền không chọn phe, ông chọn con người. Những mẩu chuyện lấy cảm hứng từ lịch sử để “viết lại” hoặc “viết tới” luôn đặt nền tảng trên tinh thần nhân văn, đứng về phía dân thường. Dù có biểu hiện bất tín, hoài nghi kiểu hậu hiện đại thể hiện qua một số mẩu chuyện (Không có lập trường, Không nên ăn mừng chiến thắng, Không nên kỷ niệm chiến tranh, Làm sao biết được đúng sai, Mục đích chiến tranh…) nhưng Phạm Ngọc Hiền vẫn đứng vững trên lập trường nhân đạo.

Chuyện làng trên mạng gồm những truyện mini có tính ẩn dụ. Mỗi truyện là một thông điệp, thể hiện các triết lý đa chiều về cuộc sống. Ta có thể bắt gặp ở đây những câu chuyện đáng suy ngẫm từ quê ra phố, xưa và nay, cả những vấn đề từng gây tranh luận trên mạng xã hội…

* …Đến chiêm nghiệm đời thường

Nhìn xưa rồi lại nhìn nay, Phạm Ngọc Hiền tiếp tục rung cảm, chiêm nghiệm với những gì đang và sẽ diễn ra xung quanh mình. Ý thức của con người thời đại không để tâm trí nhà văn bằng lòng với những yên ổn bề mặt của đời sống. Đưa ngòi bút nhìn vào đời sống, với cảm hứng thời sự xã hội, Phạm Ngọc Hiền phát hiện ra những thành kiến trì trệ trong tư duy con người. Đó là những rào cản, hạn chế con đường tiến bộ. Để thúc đẩy sự tiến bộ, có người sẽ công kích vào thành trì của sự lạc hậu. Nhưng việc đó có thể gây ra kháng cự. Cho nên, phải “Chữa bệnh bằng con đường vòng”:

“Hồi trước, ở miền núi, mỗi lần có dịch bệnh, người ta mời thầy cúng về đuổi ma tà. Có anh y tá từ tỉnh về phản đối cách chữa bệnh này nên bị cả làng vác gậy rượt đánh. Nhưng dân làng cúng bái mãi vẫn không hết bệnh. Anh y tá đề nghị kết hợp đuổi ma tà và uống thuốc Tây. Nhiều dân làng làm theo và hết bệnh. Sau này, anh truyền đạt kinh nghiệm cho các y tá trẻ: “Khi mọi người tin điều sai thì mình không nên vội nói điều đúng. Muốn thay đổi tư duy lạc hậu của họ, phải mềm mỏng đi theo con đường vòng”.

Như đã nói, truyện mini của Phạm Ngọc Hiền là những mẩu chuyện ngắn, mang tính ngụ ngôn. Do đó, nó thường chuyển tải một suy tư nào đó. Nhưng không phải lối răn dạy giáo hóa mà chỉ gợi ra những suy nghĩ cho riêng bản thân mỗi người. Đó là những nghĩ tưởng thầm kín mà chỉ có mình nói với mình. Những mẩu chuyện tạo ra cho mỗi người cuộc đối thoại riêng tư. Mình trò chuyện với mình, mình tự thức tỉnh mình.

Từ nghĩa lý cuộc đời, chuyện mini Phạm Ngọc Hiền khiến bạn nghĩ lại danh hão với cuộc đời thực. Đời sống qua giọng kể tỉnh bơ của tác giả hiện lên thật nhẹ nhàng. Nó nhẹ nhàng bởi con người ủ mộng dệt mơ. Họ thường mơ đến cuộc sống được trọng vọng. Phần nhiều ai cũng thích thú với cái danh cao quý, to lớn. Nhưng lại thấy, danh với thực nhiều khi không đi liền với nhau. Từ vấn đề nhân danh đi tới giả danh, đời sống bị thu rút vào danh hão. Nhưng ngẫm lại, bạn sẽ thấy nhiều cái danh trên đời cũng hão huyền không kém, biết đâu lại có chính mình trong đó. Bạn có thể sẽ nhận ra: liệu có cái danh nào không hão huyền sao?

Trần Bảo Định

Tin xem nhiều