Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song sau hơn 5 năm thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Phong trào ĐCTT đang phát triển lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều sân chơi trong tỉnh.
Các nghệ nhân, tài tử Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh giao lưu đờn ca tài tử tỉnh Long An mở rộng năm 2024. Ảnh: TTVHĐA |
Các nghệ nhân và tài tử đã có nhiều nỗ lực gầy dựng, duy trì loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ sinh hoạt, truyền lửa tại địa phương đến đưa “quân” đi giao lưu khắp nơi.
* Nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy ĐCTT
Theo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, so với nhiều tỉnh, thành khác ở Nam Bộ, sự xuất hiện loại hình nghệ thuật ĐCTT ở Đồng Nai diễn ra muộn hơn, bởi đây chỉ là vùng lan tỏa. Bắt đầu từ năm 2010, sở đã tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học nghệ thuật ĐCTT, cùng với 20 tỉnh, thành khác ở khu vực, trình UNESCO công nhận ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua kiểm kê, toàn tỉnh có 31 câu lạc bộ với hơn 351 thành viên thường xuyên thực hành loại hình di sản này.
Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 1 ngàn tài tử đờn và ca, 74 câu lạc bộ, đội, nhóm đang sinh hoạt tại các trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao các huyện, thành phố, trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn và trong cộng đồng dân cư. Số lượng tài tử, nghệ nhân, câu lạc bộ, đội, nhóm gia tăng cho thấy nghệ thuật ĐCTT ngày càng có tính lan tỏa trong cộng đồng.
Là một trong những đơn vị triển khai thực hiện đề án, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh nhiều năm qua tổ chức đa dạng các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Trong đó, trung tâm tổ chức thường kỳ trình diễn ĐCTT tại các thiết chế văn hóa của 11 huyện, thành phố; phát động sáng tác lời mới; biểu diễn, giao lưu thông qua hàng chục liên hoan, hội diễn trong và ngoài tỉnh…
Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Đỗ Thị Hồng cho biết, Đồng Nai không phải là cái nôi của ĐCTT, cũng không phải là nơi hội tụ nhiều tài tử đờn, tài tử ca có nghề như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu…, nhưng Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên thu hút được số lượng lớn dân cư từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ - nơi có phong trào ĐCTT phát triển đến sinh sống và làm việc. Vì vậy, họ cũng mang theo vốn văn hóa truyền thống đến với mảnh đất Đồng Nai, góp phần làm cho phong trào ĐCTT được duy trì và phát triển.
Hiện nghệ thuật ĐCTT được nhiều địa phương trong tỉnh khai thác gắn kết với chương trình tham quan của khách du lịch tại các điểm du lịch. Tiêu biểu như điểm du lịch Làng bưởi Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu; một số điểm du lịch tại thành phố Long Khánh, huyện Định Quán… đã kết nối các nghệ nhân, tài tử biểu diễn phục vụ nhu cầu tìm hiểu nghệ thuật truyền thống của người dân và du khách.
* Băn khoăn đội ngũ kế thừa
Cũng theo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, mặc dù sở, các đơn vị, địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện để ĐCTT phát triển, lan tỏa, song do các điều kiện chủ quan và khách quan, công tác bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nghệ nhân nòng cốt tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ phần lớn là người trung niên và cao tuổi; các sân chơi, cuộc thi dành cho ĐCTT không thường xuyên; nhiều câu lạc bộ thiếu trang thiết bị, các bộ nhạc cụ…
Nghệ nhân dân gian Lê Văn Lợi, thành viên Câu lạc bộ ĐCTT tỉnh Đồng Nai cho hay, điều băn khoăn lớn nhất của ông và của các nghệ nhân lớn tuổi trên địa bàn tỉnh là đội ngũ kế thừa ĐCTT, bởi việc truyền nghề ĐCTT còn mang tính tự phát. Đa phần người chơi nhạc tài tử biết chơi thông qua việc “học lỏm” hoặc được truyền dạy trong gia đình, chưa được đào tạo bài bản tại các trường nghệ thuật. Chính vì vậy, lực lượng soạn giả cũng như nghệ nhân ở lĩnh vực này thiếu và yếu về chất lượng, số lượng.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Văn Quyết, nhà nghiên cứu văn hóa ở thành phố Biên Hòa chia sẻ, ĐCTT là di sản, để hiểu, học được, chơi được cần được truyền nghề một cách chính quy tại các trường nghệ thuật. Ngược lại, người học cũng phải có năng khiếu, có đam mê mới học nghề, gìn giữ và phát huy được di sản này.
Việc đưa ĐCTT vào truyền dạy rộng rãi tại một các trường học trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa thực hiện được. Lý giải về khó khăn này, đại diện Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết, nguyên nhân là do công tác triển khai phối hợp thực hiện đề án chưa đồng bộ, vẫn còn một số đơn vị chưa nắm được nội dung nhiệm vụ thực hiện.
Vì vậy, sở đã kiến nghị UBND tỉnh ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật ĐCTT trong các gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin