Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững đã và đang “mở đường”, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho văn hóa phát triển.
Người dân trên địa bàn huyện Trảng Bom biểu diễn văn nghệ tại công viên văn hóa Hùng Vương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần. Ảnh: L.NA |
Đích đến cuối cùng của việc chăm lo phát triển văn hóa chính là hạnh phúc của con người. Bởi vậy, con người Đồng Nai đang trở thành trung tâm trong các chính sách phát triển toàn diện, bền vững.
Gắn phát triển văn hóa với phát triển con người
Gần 2 năm qua, người dân thành phố Biên Hòa có thêm không gian sinh hoạt văn hóa sôi động hơn khi nhiều công viên được đầu tư, cải tạo, tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao. Trong đó, phố đi bộ Nguyễn Văn Trị được thành phố đầu tư, xây dựng Con đường ánh sáng; công viên Biên Hùng được thành phố bố trí các gian hàng sách, các khu vui chơi, giải trí, ẩm thực... tạo thành điểm nhấn. Bên cạnh đó, không gian công viên Biên Hùng còn kết nối với Di tích Lăng mộ Trịnh Hoài Đức tạo thành một chỉnh thể đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách khi tham quan, trải nghiệm du lịch văn hóa.
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, việc xây dựng văn hóa được thành phố xác định gắn với phát triển con người Biên Hòa - Đồng Nai. Không chỉ đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công viên; tổ chức các chương trình tham quan các di tích… mà thành phố còn chú trọng tổ chức đa dạng hoạt động cho người dân hưởng thụ văn hóa.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập, phát triển văn hóa gắn với phát triển con người. Tuy nhiên, hiện nay số lượng công chức văn hóa - xã hội của huyện, các xã, phường, thị trấn quá ít so với yêu cầu và khối lượng công việc của địa phương. Công chức văn hóa ngoài thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch còn kiêm nhiệm lĩnh vực thông tin truyền thông, chuyển đổi số. Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cho lực lượng làm công tác văn hóa ở cơ sở cần được triển khai; mở rộng đối tượng cộng tác viên để hỗ trợ cho việc tổ chức các hoạt động, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho các tầng lớp Nhân dân.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã xây dựng 40 nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương theo 2 giai đoạn 2024-2025 và 2026-2030. Việc cụ thể hóa các nhiệm vụ đã và sẽ góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.
Với quan điểm Nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo ra các giá trị văn hóa, đồng thời cũng là chủ thể hưởng thụ những giá trị văn hóa đó, vì thế trong tất cả các hoạt động của ngành văn hóa tổ chức thời gian qua đều hướng đến người dân, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, hai đối tượng công nhân lao động và người dân ở vùng nông thôn được đặc biệt quan tâm.
Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho hay, hiện ngành đang tập trung chỉ đạo các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở phải có những nội dung, chương trình dành riêng hàng năm trong kế hoạch để phục vụ riêng cho hai đối tượng này. Những chương trình đó luôn gắn với thời gian, địa điểm, điều kiện sinh hoạt, phù hợp với đặc điểm tâm lý của công nhân, người dân ở nông thôn, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của bà con.
Liên quan đến phát triển văn hóa cho công nhân lao động, thạc sĩ Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, đề xuất triển khai Nghị quyết số 12 về văn hóa cần xây dựng nhà trưng bày để bảo tồn di sản văn hóa công nhân, công nghiệp tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Bởi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ngoài sản xuất còn có phong trào đấu tranh của công nhân trong thời kỳ đấu tranh, giành độc lập dân tộc. Việc xây dựng nhà trưng bày sẽ góp phần gắn kết với các thiết chế văn hóa xung quanh, qua đó, tôn vinh giai cấp công nhân Đồng Nai.
Bồi đắp, lan tỏa những giá trị văn hóa
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là một trong những nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 về văn hóa. Đồng Nai không chỉ có Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, có Lễ hội Chùa Ông, hay những di sản gắn với quá trình hình thành, phát triển hơn 325 năm mà còn có những giá trị văn hóa nằm sâu trong tâm hồn, suy nghĩ và lối sống của người dân. Các giá trị đó đã và đang được khơi gợi, bồi đắp hơn nữa để lan tỏa, phát huy sức mạnh con người Đồng Nai trong phát triển.
Cũng theo thạc sĩ Trần Quang Toại, xây dựng môi trường văn hóa, con người văn hóa, xã hội văn hóa, văn minh đô thị là cần thiết. Muốn phát triển văn hóa, con người Đồng Nai phải xây dựng từ nền tảng cơ sở. Trong kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 về văn hóa, có trùng tu, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, không chỉ phải trùng tu mà vấn đề còn là phải phát huy giá trị của di tích để lan tỏa trong Nhân dân, có những hình thức để cộng đồng cùng tham gia nuôi sống, phát triển di tích đó.
Lấy ví dụ điển hình về Lễ hội Chùa Ông năm 2024 diễn ra trên địa bàn thành phố Biên Hòa rất quy mô mà không sử dụng nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách, thạc sĩ Trần Quang Toại đặt ra vấn đề, tại sao họ làm được? Lý giải về điều này, ông Toại nói rằng đó là cần có một cơ chế, bởi nếu có chương trình, kế hoạch cụ thể mà không có cơ chế thì không thể phát huy được giá trị di sản, xây dựng môi trường văn hóa cho người dân hưởng thụ.
Nghị quyết số 12 về văn hóa còn xác định tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, quảng bá rộng rãi đến công chúng. Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, cho rằng Nghị quyết số 12 ra đời, văn nghệ sĩ tỉnh nhà rất phấn khởi, bởi đây là một trong những quyết sách văn hóa có tính chất định hướng, mở đường nhưng lại thiết thực và rất gần gũi.
“Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hoạt động văn học nghệ thuật của Đồng Nai những năm qua phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng. Đã có hàng ngàn tác phẩm, công trình nghệ thuật ra đời, được giới thiệu rộng rãi đến Nhân dân trong tỉnh, quốc gia và thế giới. Đặc biệt, lĩnh vực nhiếp ảnh có sức lan tỏa rất lớn. Một bức ảnh đẹp có thể thôi thúc, thu hút những người thích trải nghiệm tại địa phương. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải thưởng quốc tế cũng góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Đồng Nai” - Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà nói.
Việc ứng dụng công nghệ số vào phát triển văn hóa, con người Đồng Nai đã được ngành văn hóa triển khai. Cùng với biểu diễn, live stream nghệ thuật trên môi trường mạng xã hội, Đồng Nai đã xây dựng các triển lãm ảo về văn hóa. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh đã số hóa hơn 8,5 ngàn hiện vật trong tổng số hơn 20 ngàn hiện vật quý đang lưu giữ tại bảo tàng. Trong đó có số hóa 3D các bảo vật quốc gia; thực hiện tour tham quan 360 thực tế ảo các di tích Văn miếu Trấn Biên, Mộ cự thạch Hàng Gòn… Công nghệ số không chỉ giải quyết vấn đề trải nghiệm từ xa cho người dân và du khách mà còn nâng cao giá trị của điểm đến, lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa Đồng Nai.
Ly Na
Bài 3: Nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin