Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện

My Ny
13:34, 26/04/2024

(ĐN) - Sáng 26-4, Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/NQ ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kế hoạch số 257-KH/TU ngày 31-8-2015 của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì hội nghị.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Huy Anh
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Huy Anh

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 33, nội dung, tinh thần, sức sống của nghị quyết đã tạo được sự lan tỏa, thấm sâu trong các lĩnh vực, địa bàn, từng cộng đồng, từng tầng lớp dân cư. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, sản phẩm văn hóa ngày càng phát triển đa dạng.

Hệ thống thiết chế văn hóa, từ tỉnh đến cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được duy trì thường xuyên; ngày càng xuất hiện nhiều những mô hình hay, điển hình tiên tiến, góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh và nền tảng tinh thần to lớn để Đồng Nai vượt qua những khó khăn, thách thức.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn (bìa trái) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì hội nghị. Ảnh: Huy Anh
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn (bìa trái) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì hội nghị. Ảnh: Huy Anh

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai và thực hiện nghị quyết còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, sự phát triển văn hóa, con người chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế; chưa phát huy đúng mức lợi thế nguồn lực văn hóa, con người trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa vào việc phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Hoạt động văn học nghệ thuật chưa có nhiều tác phẩm, công trình ngang tầm với thời đại…

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 33. Ảnh: Huy Anh

Tại hội nghị, đại điện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã trình bày các tham luận, làm rõ những kết quả đạt được cũng như những mặt còn hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 33. Ảnh: Huy Anh

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong 10 thực hiện Nghị quyết 33; đồng thời đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các sở, ban ngành quan tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và hành động, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ hoạt động và đời sống, vào từng người, từng gia đình, nhất là thế hệ trẻ.

Tập trung xây dựng văn hóa con người Đồng Nai phát triển toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa lành mạnh. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao bằng khen cho các cá nhân. Ảnh: Huy Anh
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao bằng khen cho các cá nhân. Ảnh: Huy Anh

Ngoài ra, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa ở cơ sở. Chú trọng phát triển văn học, nghệ thuật, khuyến khích sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, có tác dụng sâu sắc xây dựng văn hóa con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.

Dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 22 tập thể và 22 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 33.

My Ny

Tin xem nhiều