Hệ thống thiết chế văn hóa tăng về số lượng và từng bước cải thiện về chất lượng; các di tích được chú trọng bảo tồn và phát huy; sản phẩm văn hóa phong phú, đa dạng; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc được phục dựng, hồi sinh mạnh mẽ…
Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của khán giả trong và ngoài tỉnh. Ảnh: LyNa |
Đó là những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33) trên địa bàn tỉnh.
Nhiều điểm sáng trong xây dựng và phát triển văn hóa
Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập cho biết, tinh thần Nghị quyết 33 qua 10 năm thực hiện đã lan tỏa, thấm sâu, tạo những chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đáng chú ý, việc xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng hương ước, quy ước được triển khai và nhân rộng; việc thực hiện nêu gương, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thiết chế văn hóa cơ sở được chú trọng.
“Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn thành phố Long Khánh là các thiết chế văn hóa được đầu tư, duy trì tốt các hoạt động. Hiện 100% phường, xã trên địa bàn có trung tâm văn hóa học tập cộng đồng, nhà văn hóa ấp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân” - ông Lập chia sẻ.
Sáng 26-4, Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ-TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Kế hoạch số 257-KH-TU ngày 31-8-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW. Hội nghị sẽ diễn ra các hoạt động như: thảo luận công tác thực hiện nghị quyết ở các đơn vị, địa phương; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nghị quyết trong thời gian tới; khen thưởng các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 33...
Theo Phòng Văn hóa, thông tin huyện Nhơn Trạch, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 33, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, huy động các nguồn lực trang bị dụng cụ thể dục, thể thao tại hệ thống thiết chế văn hóa… được cộng đồng quan tâm. 100% di tích được quan tâm bảo quản, trùng tu, tôn tạo hàng năm. Không chỉ đầu tư từ nguồn ngân sách mà địa phương còn đẩy mạnh huy động nguồn xã hội hóa. Chẳng hạn, di tích đình Phước Thiền đã thực hiện trùng tu bằng nguồn xã hội hóa trên 8 tỷ đồng.
Là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống, huyện Định Quán đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số.
Theo Phó trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Định Quán Thiều Quang Tân, thời gian qua, huyện đã xây dựng các nhà văn hóa dân tộc; tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao; khôi phục các lễ hội truyền thống, khuyến khích bà con tham gia. Bên cạnh đó, địa phương duy trì và thành lập các mô hình câu lạc bộ, đội nhóm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các đơn vị đưa những chương trình văn hóa, nghệ thuật về với bà con, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần.
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho hay, một trong những kết quả nổi bật trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn thành phố là việc đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa. Những năm qua, ngoài sử dụng nguồn thu từ du lịch để tái đầu tư cho du lịch, thành phố đã có các cơ chế, chính sách mở để khuyến khích cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp vào đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đa dạng các sản phẩm du lịch. Trong đó có các doanh nghiệp đầu tư các khu du lịch Sơn Tiên, Bửu Long; nâng chất cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố.
Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác văn hóa
Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Đồng Nai đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt và vượt chỉ tiêu trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua, phải thừa nhận, với vai trò trung tâm lớn về kinh tế, với bề dày truyền thống hơn 325 năm hình thành và phát triển, những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Theo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, trong quá trình phát triển đã nảy sinh không ít hạn chế, bất cập về văn hóa, xã hội chưa được giải quyết triệt để.
Tiết mục Việt Nam đất nước ta ơi do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn, phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Ảnh: MyNy |
Trong đó, việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao chưa rộng khắp, việc thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, chưa đa dạng. Ở một số địa phương vẫn còn xảy ra các hiện tượng coi thường luật pháp, bạo lực gia đình. Môi trường văn hóa trên mạng xã hội khó kiểm soát đã và đang tạo ra những giá trị văn hóa ảo, chi phối đời sống người dân, nhất là giới trẻ.
Nhằm góp phần khắc phục những khó khăn, phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 33, Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập cho biết: “Thành phố đã có chủ trương tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng (cơ sở vật chất và tri thức con người). Bên cạnh đó, thành phố đã có những đề xuất với các cấp có thẩm quyền, sắp xếp, lập đề án vị trí việc làm, tăng cường nguồn nhân lực cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Qua đó, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 có hiệu quả, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc từ văn hóa”.
Cũng theo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33, trong thời gian tới, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, đa dạng tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu của nhân dân. Cùng với đó là nâng cao chất lượng Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết Tỉnh ủy đề ra hàng năm; bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị di sản văn hóa. Ưu tiên các nguồn lực để xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm, đặc biệt là công tác trùng tu, tôn tạo đối với các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu.
Ly Na
Nghệ sĩ Nhân dân GIANG MẠNH HÀ, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai:
Xây dựng văn học nghệ thuật đậm đà bản sắc Đồng Nai
Trong 10 năm qua, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai luôn nỗ lực xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật mang đậm bản sắc Đồng Nai trong dòng mạch chung của dân tộc. Dòng mạch chính trong sáng tạo tác phẩm của văn nghệ sĩ Đồng Nai cơ bản vẫn là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc. Các tác phẩm văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, văn nghệ dân gian… đều hướng về mục tiêu tuyên truyền, cổ vũ cho sự nghiệp đổi mới, đi sâu mô tả hình tượng con người Đồng Nai với nhiều trạng thái, sắc độ, cung bậc cảm xúc trong truyền thống giữ nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chị NGUYỄN LÊ THÙY DƯƠNG, Đoàn phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa):
Chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống
Để thực hiện Nghị quyết 33, các cấp bộ Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động trong đoàn viên thanh niên, trong đó chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi gắn với học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh. Đoàn phường Thống Nhất đã quan tâm thực hiện các công trình thanh niên; tích cực tham gia tình nguyện vì cuộc sống của cộng đồng; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới gắn với thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin