Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối đam mê từ dạy đờn ca tài tử miễn phí

Ly Na
09:00, 29/06/2024

Đưa đờn ca tài tử (ĐCTT) thấm sâu vào đời sống cộng đồng đã và đang được các ngành, các cấp quan tâm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống.

Chị Khánh Đan, thành viên Câu lạc bộ đờn ca tài tử Đồng Nai, biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện Tân Phú. Ảnh: L.Na

Hiện có nhiều lớp truyền dạy (đàn, hát) ĐCTT miễn phí được tổ chức trên địa bàn Đồng Nai, thu hút hàng trăm lượt người tham gia học tập và thực hành biểu diễn.

Những lớp học miễn phí

Nằm trên đường 30-4, phường Trung Dũng (thành phố Biên Hòa) có một không gian ĐCTT với sự tham gia của nhiều nghệ nhân đam mê và tâm huyết đang được duy trì mỗi buổi/tuần. Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Lê Văn Lợi cùng nhiều tài tử đờn, tài tử ca đều đặn sinh hoạt ở đây, vừa để giữ lửa đam mê, giúp người yêu nhạc tài tử hiểu đúng về ĐCTT, vừa để truyền nghề.

Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT Đồng Nai cho hay, các tài tử đờn, tài tử ca và người yêu nhạc dân tộc đến với những buổi tập luyện ĐCTT được học miễn phí. Người trẻ mới tham gia đến tìm hiểu về nhạc lý, về 20 bài bản tổ, cách ca, cách diễn. Với những người đã sinh hoạt trong thời gian dài, chủ yếu tập luyện các bài bản mới, tham gia biểu diễn, giao lưu ĐCTT, phục vụ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Vài năm trở lại đây, các lớp dạy ĐCTT miễn phí tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được mở ngày càng nhiều. Tại các huyện Tân Phú, Cẩm Mỹ đã có hơn 40 nghệ nhân, tài tử tham gia các lớp dạy đàn, hát, tìm hiểu những kiến thức cơ bản về sự hình thành, phát triển của ĐCTT Nam Bộ, cách thức sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc trong bộ môn ĐCTT, thực hành biểu diễn.

Mới đây nhất, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai đã mở 2 đợt dạy đàn, hát ĐCTT miễn phí trên địa bàn thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành. Mở đầu phần dạy, Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải - nguyên giảng viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, đã biểu diễn một điệu Liên Nam cổ khúc để các học viên làm quen với nhịp và các bài bản ĐCTT. Không khí lớp học trở nên rôm rả, không phân biệt cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn, giáo viên hay thành viên các câu lạc bộ ĐCTT…, tất cả đều có chung một tình yêu và niềm đam mê âm nhạc dân tộc.

Tham gia lớp học ĐCTT tại thành phố Biên Hòa trong dịp hè 2024, chị Phan Thị Kim Hương, giáo viên mầm non trên địa bàn phường An Hòa, cho biết bản thân chị rất yêu ca hát. Chị thường xuyên tham gia phong trào văn nghệ của trường, của địa phương. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với nhạc tài tử, chị gặp nhiều khó khăn trong lối ca, luyến láy...

“Từ khi được học ĐCTT, tôi hiểu hơn về nhạc tài tử, nắm được các thể điệu đờn ca. Thầy dạy rất bài bản, vừa có lý thuyết, vừa có thực hành. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều lớp dạy đờn, dạy ca miễn phí vào các trường học, các khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân, nhất là học sinh, được tiếp xúc với loại hình nghệ thuật độc đáo này” - chị Hương chia sẻ.

Dự thảo Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2024-2026, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu cụ thể là tổ chức truyền dạy nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Lồng ghép, giới thiệu nghệ thuật ĐCTT cho học sinh, sinh viên để thu hút giới trẻ quan tâm, tham gia thưởng thức và thực hành di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

* Ứng dụng công nghệ, lan tỏa âm nhạc dân tộc

Sử dụng Facebook, YouTube, Zalo để kết nối người học ĐCTT cũng như giới thiệu những bài bản tài tử đến với các tầng lớp nhân dân đã và đang được các nghệ nhân, người yêu ĐCTT thực hiện. Bước đầu, hoạt động này đã có hiệu quả và tạo được sức lan tỏa.

Theo nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, mạng xã hội kết nối người yêu nhạc tài tử mọi lúc, mọi nơi. Nhờ vậy, những bản đờn, bản ca, các buổi dạy đàn, hát và biểu diễn ĐCTT sau khi ông ghi âm, ghi hình và giới thiệu qua Facebook, YouTube thu hút khá đông người mộ điệu xem, thưởng thức. Cũng từ đây, nhiều người trẻ trên địa bàn tỉnh xin theo học một cách bài bản, tham gia các liên hoan, hội diễn khu vực, toàn quốc đoạt nhiều huy chương vàng, bạc.

Là một trong những tài tử có nhiều bài bản tài tử được phát trên các nền tảng xã hội, chị Khánh Đan, thành viên Câu lạc bộ ĐCTT Đồng Nai, cho rằng việc ứng dụng công nghệ để phát huy thế mạnh, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật là điều rất quan trọng. Việc này không chỉ thể hiện trách nhiệm của người yêu nghệ thuật truyền thống mà qua đó còn lưu giữ, lan tỏa âm nhạc dân tộc.

Hàng năm, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai biên tập, thực hiện CD bài bản tài tử đưa về cơ sở phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, biểu diễn của địa phương. Với các chương trình biểu diễn, giao lưu ĐCTT, trung tâm ghi hình, phát sóng trên Đài Phát thanh - truyền hình Đồng Nai, trên website, fanpage của đơn vị. Trên nền tảng số và công nghệ, các giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ đã và đang đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ly Na

Tin xem nhiều