Thương nhớ Bác Hồ, nhân dân cả nước có nhiều hình thức thể hiện lòng biết ơn, trong đó lễ giỗ Bác Hồ theo phong tục truyền thống được duy trì, trở thành nét đẹp văn hóa tại nhiều địa phương.
Di ảnh Bác Hồ được thờ trang trọng trong ngôi nhà cổ của gia đình ông Ngô Văn Sơn (ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: L.Na |
Trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nhiều năm qua, lễ giỗ Bác được tổ chức trang trọng, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Người Biên Hòa - Đồng Nai nhớ Bác
Những ngày cuối tháng 8, men theo con đường nông thôn mới về ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), chúng tôi đến thăm ngôi nhà cổ của ông Ngô Văn Sơn. Ngôi nhà có tuổi đời gần 100 năm. Như nhiều gia đình ở ấp Vĩnh Hiệp, trên bàn thờ gia tiên của ông Sơn, tấm di ảnh Bác Hồ được đặt một cách trang trọng ở gian giữa ngôi nhà suốt mấy chục năm qua.
Ông Ngô Văn Sơn cho biết, từ mấy hôm trước ngày giỗ Bác, ngôi nhà cổ của ông được dọn dẹp gọn gàng, tự tay ông cắt những quả bưởi ngon nhất, đẹp nhất đặt lên bàn thờ. Lễ vật tuy đơn sơ nhưng đầm ấm nghĩa tình, xuất phát từ tấm lòng tôn kính Bác Hồ. Đây cũng là dịp để con cháu trong gia đình đoàn tụ, thắp nén tâm nhang thành kính tưởng nhớ công ơn của Bác và các bậc tiền nhân.
Sáng nay 24-8 (nhằm ngày 21-7 âm lịch), Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức Lễ tưởng niệm 55 năm Ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích Văn miếu Trấn Biên. Trong chương trình, các đại biểu tiến hành dâng hương tại Nhà bái đường. Ban Quý tế đình Tân Vạn (thành phố Biên Hòa) thực hiện lễ tưởng niệm theo nghi thức dân gian Nam Bộ. Ban tổ chức sẽ trao bảng tri ân cho ban quý tế các đình phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm.
“Điều khâm phục nhất ở Bác Hồ là tấm lòng cao cả, suốt cuộc đời hy sinh cho dân tộc, cho nhân dân. Bởi vậy, việc thờ cúng Bác, dâng hương trong ngày giỗ Bác cũng là một cách để giáo dục con cháu trong gia đình, dòng họ, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp cha ông để lại” - ông Sơn chia sẻ.
Không chỉ trong các gia đình mà nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh hàng năm cũng tổ chức lễ giỗ Bác trang trọng. Có thể kể đến như: Di tích Đình Phú Mỹ, huyện Nhơn Trạch; Di tích quốc gia Văn miếu Trấn Biên… Trong đó, Văn miếu Trấn Biên không chỉ là địa điểm thờ Bác Hồ, mà nơi đây còn thờ các bậc tiền nhân, các danh nhân văn hóa Việt Nam. Vào ngày giỗ Bác, tại văn miếu diễn ra hoạt động tưởng niệm theo nghi thức dân gian Nam Bộ với sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai Đỗ Thị Hồng, cũng như mọi năm, lễ giỗ Bác (21-7 âm lịch) năm nay, đơn vị đẩy mạnh trang trí tuyên truyền cổ động trực quan trên các tuyến đường, tổ chức công chiếu các phim như: Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Nguyễn Tất Thành - những dấu ấn đã chọn… tại 11 huyện, thành phố. Bên cạnh đó, đơn vị lựa chọn 7 bài bản tài tử hay nhất về Bác Hồ và về vùng đất Trấn Biên, luyện tập để biểu diễn trong lễ giỗ Bác tại Văn miếu Trấn Biên.
Tương tự, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn nhiều ca khúc nhân lễ giỗ Bác, đồng thời live stream trên các nền tảng xã hội phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Cùng với thưởng thức nghệ thuật, nhiều người Biên Hòa - Đồng Nai nhớ Bác thường đến Bảo tàng Đồng Nai tham quan các hình ảnh, hiện vật, xem kỷ vật, đọc các sách về Người đang được trưng bày, bảo quản tại bảo tàng. Tiêu biểu như: cuốn sách Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Huy hiệu Bác Hồ; 3 bức hoành phi từ đình Phú Mỹ, huyện Nhơn Trạch…
Lan tỏa tấm lòng tôn kính, tri ân
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho hay, lễ giỗ Bác Hồ năm nay được ngành văn hóa tổ chức trang trọng với nhiều nghi thức, nghi lễ truyền thống. Không chỉ có người dân Biên Hòa - Đồng Nai thương nhớ Bác, học Bác, mà còn có cả khách thập phương ở mọi miền đất nước mỗi khi có dịp đến các di tích có thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đến viếng Bác bằng tất cả tấm lòng tôn kính, tri ân.
Đã 55 năm kể từ ngày Bác đi xa, sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức vĩ đại, sáng ngời của Người vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng. Tấm gương của Bác đã và đang lan tỏa, tác động tích cực đến mỗi người dân ở Biên Hòa - Đồng Nai, để thế hệ hôm nay tiếp nối xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh.
Bí thư Đoàn phường Trung Dũng (thành phố Biên Hòa) Bùi Thị Khánh Linh chia sẻ, hướng đến lễ giỗ Bác, đoàn viên thanh niên trên địa bàn phường tổ chức các hoạt động về nguồn, dâng hương, tri ân Bác Hồ kính yêu. Nhớ lời Bác dạy, tuổi trẻ phường Trung Dũng hôm nay nêu cao tinh thần xung kích “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”; tích cực tham gia phong trào tình nguyện vì cộng đồng và thực hiện các công trình, phần việc thanh niên. Từ đó, lan tỏa mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Không chỉ trong lễ giỗ Bác Hồ, mà những câu chuyện về Bác vẫn luôn được kể, được giới thiệu trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, đã và đang trở thành “động lực” tinh thần to lớn để mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, học tập, noi theo.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin