Thiết chế văn hóa (TCVH), thể thao trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống và sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến nông thôn.
Nhà văn hóa dân tộc Mường, xã Phú Túc, huyện Định Quán là nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao của đông đảo người dân. Ảnh: L.Na |
Để khai thác hiệu quả các TCVH, nhiều địa phương đã và đang có cách làm hay, tạo thành điểm đến, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện sức khỏe, gắn kết cộng đồng dân cư, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Xây dựng thiết chế “điểm”
Thành phố Biên Hòa là một trong những địa phương đang triển khai xây dựng “thí điểm” các TCVH, thể thao phục vụ cho các tầng lớp nhân dân ở các xã, phường vùng xa. Từ đầu quý III, thành phố đã có buổi làm việc với các địa phương và đơn vị liên quan, thống nhất chọn các trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng (VHTT-HTCĐ) tại 3 phường: Tam Phước, An Bình và Tân Biên để xây dựng điểm TCVH, thể thao trong năm 2024.
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho hay, ở các TCVH, thể thao thí điểm được thành phố lựa chọn sẽ xây dựng mô hình thư viện, lắp đặt hệ thống trò chơi dành cho thanh thiếu nhi và các dụng cụ luyện tập thể dục thể thao cho các tầng lớp nhân dân. Trong đó, mô hình thư viện sẽ hoạt động như các ngôi nhà trí tuệ (NNTT), người dân, nhất là các em học sinh có thể đến đọc sách, tham gia câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ, thể thao…
Theo Phó chủ tịch UBND phường An Bình Trần Thị Hồng Cúc, trên địa bàn phường có trung tâm học tập cộng đồng tại 2 cơ sở (khu phố 4 và khu phố 1) và 11 nhà văn hóa khu phố. Trong đó, Trung tâm Học tập cộng đồng cơ sở 2 (khu phố 1) đã được đầu tư, sửa chữa khang trang, trang bị bàn làm việc, tủ hồ sơ, nâng cấp điện thắp sáng, quạt trần và bộ tập thể dục, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Riêng nhà văn hóa khu phố 7 thuộc diện di dời, giải tỏa (nằm trong dự án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1) nên không tổ chức các hoạt động.
UBND phường An Bình đã có kiến nghị UBND thành phố và Phòng Văn hóa, thông tin thành phố Biên Hòa xem xét sớm ban hành quyết định thành lập Trung tâm VHTT-HTCĐ của phường; đồng thời, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các nhà văn hóa khu phố (hiện nay các trung tâm và nhà văn hóa khu phố không được cấp kinh phí hoạt động).
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân tại các TCVH, từ tháng 8-2022 huyện Vĩnh Cửu đã xây dựng mô hình NNTT. Từ NNTT đầu tiên thực hiện thí điểm ở Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Tân Bình, đến nay trên địa bàn huyện đã nhân rộng hàng chục mô hình tại hệ thống TCVH các xã, thị trấn và NNTT trong trường học.
Đặc biệt, huyện Vĩnh Cửu đã kêu gọi xã hội hóa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị (máy tính, bàn ghế, lắp đặt bộ dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, bộ trò chơi cho thiếu nhi), bổ sung hàng chục đầu sách mới tại các NNTT, phục vụ các hoạt động của người dân, học sinh khi đến sinh hoạt.
Toàn tỉnh hiện có 14 nhà văn hóa dân tộc; có 63/925 ấp, khu phố chưa có nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu phố, chiếm tỷ lệ 6,8%. Đối với 120 xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đến nay có 119 xã có trung tâm văn hóa thể thao và học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 99,16%.
Phát huy hiệu quả các công trình
Để phát huy hiệu quả TCVH trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom đã bố trí điểm vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi. Trong đó, tại Trung tâm VHTT-HTCĐ xã có khu vui chơi Phú An (thực hiện xã hội hóa) thường xuyên mở cửa hoạt động với nhiều trò chơi phong phú như: đu quay, xe điện đụng, nhà banh, câu cá, bập bênh, xe lửa, tô tượng… Bên cạnh đó, trung tâm trang bị hàng chục dụng cụ thể thao đơn giản ngoài trời, bàn cờ tướng, hộp banh đũa, phục vụ các tầng lớp nhân dân.
Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Trảng Bom Phạm Thị Lệ Thủy cho biết, nếu trước đây nhà văn hóa chỉ là nơi diễn ra các cuộc họp thì đến nay hoạt động của thiết chế này đã có nhiều thay đổi. 100% các nhà văn hóa ấp đã xây dựng bảng chương trình cụ thể và bố trí đèn điện ngoài trời hoặc đèn năng lượng mặt trời, đảm bảo các hoạt động phong trào diễn ra hiệu quả. Một số nhà văn hóa đã thành lập được các câu lạc bộ sở thích, hoạt động thường xuyên, thu hút trên 44% người dân tập luyện thể thao thường xuyên, trên 50% nhân dân tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ.
Trung tâm Văn hóa thể thao và học tập cộng đồng phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, là điểm đến hấp dẫn, thu hút thiếu nhi đến tập luyện văn nghệ, thể thao. |
Theo Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai Đỗ Thị Hồng, hàng tháng đơn vị đều phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều đêm diễn văn nghệ, đờn ca tài tử, chiếu phim tại các TCVH. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã tổ chức hơn 1,2 ngàn buổi biểu diễn, chiếu phim kết hợp tuyên truyền lưu động tại 11 huyện, thành phố; đồng thời ghi hình phát sóng trực tuyến và trực tiếp các hoạt động văn hóa trên mạng xã hội, hướng đến phục vụ nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Bùi Thanh Nam nhận định, TCVH, thể thao cơ sở đã khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của mình, vừa tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ, vừa là nơi các địa phương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ; hướng dẫn, tổ chức hoạt động văn hóa cho các đội văn nghệ. Việc phát huy hiệu quả hoạt động của các TCVH đã và đang tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho nhiều đối tượng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Qua đó, tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới, kinh nghiệm hay nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa, văn nghệ, thể thao trong quần chúng.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin