Báo Đồng Nai điện tử
En

Trải nghiệm cuối tuần cùng gốm Biên Hòa

Ly Na
18:12, 08/11/2024

Bên cạnh các hoạt động vui chơi, giải trí, những ngày cuối tuần, nhiều người đã chọn cho mình hoạt động trải nghiệm gốm Biên Hòa, vừa để tìm hiểu văn hóa truyền thống, vừa có thể thỏa sức sáng tạo những mẫu gốm theo cách riêng.

Các em học sinh trên địa bàn thành phố Long Khánh trải nghiệm làm gốm tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai năm 2024. Ảnh: L.Na

Một trong những địa chỉ trải nghiệm gốm được nhiều cá nhân, đơn vị, trường học lựa chọn đó là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai.

Háo hức xoay gốm

Nhằm giúp học sinh tìm hiểu về nghề gốm truyền thống của vùng đất hơn 325 năm hình thành và phát triển, Trường TH-THCS-THPT Trương Vĩnh Ký (thành phố Long Khánh) đã tổ chức các đoàn tham quan, trải nghiệm tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Các buổi trải nghiệm trở nên sôi động và hấp dẫn hơn khi các em học sinh trực tiếp tham gia các công đoạn, quy trình làm gốm, học kỹ năng xoay gốm, giao lưu với các nghệ nhân; đồng thời tham quan phòng trưng bày triển lãm gốm do giáo viên, học sinh, sinh viên của nhà trường thực hiện.

Được các thầy cô hướng dẫn thực hành xoay gốm, em Thái Huy Phong (lớp 5, Trường TH-THCS-THPT Trương Vĩnh Ký) cuối cùng cũng làm được chiếc bình gốm theo ý tưởng của mình. Đây không chỉ là món quà lưu niệm rất đáng quý đối với Phong mà hơn hết với em là kỷ niệm đáng nhớ bởi không dễ gì em có được cơ hội trực tiếp xoay gốm như cách các nghệ nhân thường làm.

Em Thái Huy Phong cho biết: “Trong rất nhiều công đoạn, em thích nhất là xoay gốm. Nhìn các thầy cô xoay trên bàn gốm ở bên ngoài thì thấy dễ, nhưng khi em trực tiếp thực hành thì mới thấy làm gốm không dễ. Học làm gốm giúp em hiểu thêm về nghề của Biên Hòa, thêm yêu quý và trân trọng nét đẹp của nghề truyền thống”.

Các vật dụng gốm do học sinh trực tiếp thực hành rất đơn giản như: bình, chén, đĩa… nhưng có sức hút đến lạ. Hầu hết những sản phẩm gốm này các em được mang về. Nhiều cái còn ướt, màu đất bóng loáng, được các em nâng niu, gìn giữ trong tay rất cẩn thận. Một số sản phẩm gốm được phơi trước đó vài ngày nên khô cứng lại, có màu sẫm hơn, các em có thể thực hành vẽ hoa văn và chấm men gốm ngay tại buổi trải nghiệm.

Thạc sĩ Đinh Công Việt Khôi, Phó phụ trách Khoa Gốm và điêu khắc Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, cho hay nhiều năm nay, nhà trường phối hợp với các trường học đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm xoay gốm và tìm hiểu về nghề truyền thống. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để các em được trải nghiệm với hệ thống máy móc, trang thiết bị tốt nhất. Bởi vậy, các em học sinh rất thích tự mình xoay gốm và làm ra sản phẩm từ gốm.

Các buổi trải nghiệm gốm tại nhà trường không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về gốm Biên Hòa mà còn góp phần định hướng nghề tương lai; đưa thông tin, địa chỉ học gốm uy tín đến với mọi người, nhất là người trẻ đã và đang có tình yêu, đam mê với gốm” - thạc sĩ Việt Khôi nói.

Năm 2024, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức Cuộc thi Thiết kế logo nhận diện thương hiệu Festival gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai, Việt Nam. Cuộc thi sẽ hết hạn nhận tác phẩm vào ngày 29-11.

Sẽ đào tạo ngắn hạn nghề gốm Biên Hòa

Hiện nay, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đang đào tạo nghề gốm hệ trung cấp và hệ cao đẳng. Tuy nhiên, số lượng học sinh theo học gốm hệ cao đẳng không nhiều và có xu hướng giảm dần.

Em Nguyễn Thị Anh Thư, sinh viên năm 3, Khoa Gốm và điêu khắc Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, cho biết ngày mới nhập học, lớp của em có 5 người. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn một mình em theo học. Học gốm cần sự tỉ mỉ, chính xác và am hiểu về văn hóa vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Vì vậy, người học phải nỗ lực khai phá, mở rộng tư duy để sáng tạo, đưa gốm đến với công chúng.

Cũng theo thạc sĩ Đinh Công Việt Khôi, so với các năm trước, năm nay, việc tuyển sinh của khoa có khởi sắc hơn. Đã có 20 em trúng tuyển hệ trung cấp, đang theo học gốm. Tuy nhiên, nhu cầu học hệ cao đẳng rất ít.

Các em học sinh tham quan, tìm hiểu làm gốm tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai năm 2024.
Các em học sinh tham quan, tìm hiểu làm gốm tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai năm 2024.

Lý giải về điều này, thầy Khôi cho rằng do xu hướng chọn nghề hiện nay là ra trường phải dễ tìm việc. Bên cạnh đó, bản thân học sinh chưa có sự tìm hiểu cặn kẽ về gốm truyền thống, chưa được gia đình ủng hộ… nên số lượng học sinh theo đuổi nghề gốm chưa nhiều.

“Xu hướng hiện nay, nhu cầu học gốm ngắn hạn nhiều hơn. Do vậy, trong thời gian tới, khoa sẽ có kế hoạch biên soạn chương trình để dạy gốm ngắn hạn, đáp ứng nhanh nhu cầu của người học” - thạc sĩ Việt Khôi nói.

Để thu hút người trẻ theo đuổi nghề gốm truyền thống, vài năm trở lại đây, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đẩy mạnh đưa gốm vào các trường học, trưng bày và giới thiệu gốm tại các không gian văn hóa công cộng… Các hoạt động đã và đang tạo điều kiện để cộng đồng, nhất là lứa tuổi học sinh được thực hành, trải nghiệm. Qua đó, quảng bá và lan tỏa rộng rãi nghề gốm truyền thống, thu hút người yêu thích và đam mê theo học.

Ly Na

Tin xem nhiều