Báo Đồng Nai điện tử
En

Lịch sử mở cõi phương Nam trong tiểu thuyết Kiếm Hoa

My Ny
09:00, 03/12/2024

Tiểu thuyết Kiếm hoa của nhà văn Nguyễn Thái Hải (Khôi Vũ) vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2024. Đây là tiểu thuyết viết về công cuộc mở cõi phương Nam với nhiều câu chuyện lịch sử được đặt ra sinh động, hấp dẫn.

 

Từ nguồn tư liệu chính sử, dã sử và dân gian, những chuyện kể trong tiểu thuyết Kiếm hoa của nhà văn Nguyễn Thái Hải cung cấp nhiều tư liệu quý về các nhân vật, sự kiện lịch sử… Qua đó, khơi gợi một cách tự nhiên cảm hứng lịch sử từ trong lòng người đọc.

1. Tiểu thuyết Kiếm hoa gồm 300 trang, ngoài phần tiền truyện và một số ghi chú chung, chính truyện chia làm 3 phần.

Tiền truyện của tiểu thuyết Kiếm hoa bắt đầu từ năm 1527, khi Mạc Đăng Dung phế vua Lê Cung Hoàng (nhà Hậu Lê), lập nên nhà Mạc. Làm vua được 3 năm, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh để lên làm Thái thượng hoàng. Năm 1541, khi Mạc Phúc Hải lên ngôi thay Mạc Đăng Doanh, ở Thăng Long, một người trong hoàng tộc nhà Mạc tên là Mạc Ký đang là nội quan chuyên lo các buổi thiết triều, xin vua cho mình được ra làm dân.

Sau nhiều lần di chuyển chỗ ở, gia đình Mạc Ký chuyển đến Nghệ An sinh sống, lập nghiệp, sinh ra Mạc Huy. Trưởng thành, Mạc Huy kết hôn với một thôn nữ xứ Nghệ và sinh được con trai Mạc Long.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng lúc bấy giờ mới 34 tuổi, cùng gia quyến và tùy tùng vội vã lên thuyền, giong buồm theo đường biển vào Thuận Hóa để trấn giữ vùng đất phía Nam Hoành Sơn vượt qua Hoành Sơn. Đoàn thuyền của Nguyễn Hoàng tấp vào cửa Việt Yên, thuộc phủ Triệu Phong của Thuận Hóa. Đến Ái Tử thì quan Trấn phủ cho dựng dinh để làm việc. Hơn 10 năm vượt bao gian khó cùng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, Nguyễn Hoàng cảm thấy yên tâm vì đã tạm ổn được việc cai trị và lo cho đời sống của dân mình.

Nhà văn NGUYỄN THÁI HẢI chia sẻ: “Kiếm hoa là tiểu thuyết lịch sử, tuy có “dã” nhưng vẫn tôn trọng “sử”, kể chuyện sử, chuyện mở cõi, cũng kể về 3 mối tình của những người trong cuộc”.

2. Ở phần chính truyện, khi Nguyễn Hoàng cai quản Thuận Quảng tròn 50 năm thì miền Bắc xảy ra nạn đói khiến nhiều người dân lâm vào cảnh chết chóc, gia cảnh kiệt quệ. Trong khi đó, ở Thuận Quảng, trời thương ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thu hoạch khá, dân được ấm no, hạnh phúc. Người dân ngoài Bắc rủ nhau vượt đèo Ngang chuyển vào Nam. Nhân đợt di dân ồ ạt này, Nguyễn Triều Văn - viên tướng dưới triều Lê - nhận ra cơ hội tốt để thực hiện ý định của mình, đã đưa gia đình trốn vào Nam, tìm đến Cát Dinh xin được phò Nguyễn Hoàng.

Trong những đợt di dân tiếp theo có gia đình nông dân ở Nghệ An tên là Mạc Long và 3 người con, con trai út mới 5 tuổi tên là Mạc Khảo. Họ vượt qua đèo Ngang, dừng chân ở Khang Lộc và xin nương tựa vào gia đình Nguyễn Triều Văn. Mạc Khảo có 2 người con là Mạnh Quý và Đông Quỳnh. Khi Mạnh Quý ở tuổi đôi mươi, gia đình Mạc Khảo tiếp tục đợt di cư vào Nam, đến Mô Xoài sinh sống, lập nghiệp trên vùng đất mới với nghề làm nông, nấu rượu...

Nhà văn Nguyễn Thái Hải cho biết, trọng tâm của phần chính truyện kể về cuộc đời chinh chiến của tham tướng Nguyễn Triều Văn, con trai của ông là chưởng cơ Nguyễn Hữu Dật và Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, cùng công cuộc mở cõi phương Nam. Câu chuyện về cuộc đời các vị tướng đã được khắc họa dày công qua các mối quan hệ với gia đình, nhân dân, với quân sĩ…

Nhà văn Nguyễn Thái Hải chia sẻ, trong tiểu thuyết, một mặt kể lại chuyện quan quân của chúa Nguyễn đưa dân, bảo vệ dân đi mở cõi phương Nam. Mặt khác, đó là câu chuyện của những lưu dân Việt tự phát đi vào phương Nam. Đây là phần nằm ẩn trong tiểu thuyết. Trong công cuộc mở cõi, người dân đi trước, quân tướng đi vào sau làm nhiệm vụ xác lập hành chính…

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, cử vào kinh lược Đông Phố. Dựa vào tình hình ở lưu vực 2 dòng sông lớn chảy qua Nông Nại và Sài Côn, quan Thống suất lấy 2 vùng đất này làm điểm chính để thiết lập địa lý hành chính cho toàn vùng; chia Đông Phố làm 2 huyện, phía Sài Côn đặt huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn. Phía Nông Nại đặt huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên. Tại mỗi dinh cho đặt chức lưu thủ, cai bạ, ký lục để làm việc.

Nhiều lần, khi bàn chuyện kinh lược, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh nhắc đến sự hy sinh và tài năng của công nữ Ngọc Vạn, con chúa Sãi. Bà đã nhận lời lấy vua Chân Lạp và tạo điều kiện cho lưu dân Việt đến Đông Phố sinh sống từ những năm sau 1620. Tuy nhiên, vào cuối đời, không ai rõ tung tích của bà, đến cả nơi bà nằm xuống cũng không ai biết để thờ cúng. Chỉ biết rằng, vào cuối đời, bà đã rời khỏi Long Úc về Đông Phố, rồi lên núi tu hành theo đạo Phật.

Bên cạnh những nhân vật lịch sử, tiểu thuyết Kiếm hoa còn có những nhân vật hư cấu, đại diện cho các thành phần người dân. Tiểu thuyết hấp dẫn người đọc với những câu chuyện tình yêu. Đó là mối tình của công nữ Ngọc Vạn; mối tình của chàng Trương Quân với một thiếu nữ người Chân Lạp nhưng không thành do khác biệt về dân tộc. Về sau, Trương Quân sống độc thân trên chiếc thuyền trên sông Hương Phước, Mô Xoài.

Nổi bật trong tiểu thuyết là mối tình của Nguyễn Hữu Cảnh với cô gái Đông Quỳnh, con Mạc Khảo. Từ nhỏ họ đã lớn lên bên nhau, nhưng bởi gia đình Đông Quỳnh di cư vào Nam sớm nên phải đến khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Đông Phố kinh lược họ mới gặp lại nhau. Ông cưới bà về làm thiếp, sau đó bà có thai, sinh con và con bà mất.

3. Với cách kể chuyện cuốn hút, hấp dẫn, tiểu thuyết Kiếm hoa của nhà văn Nguyễn Thái Hải là sự kết hợp nhuần nhị giữa kiến thức lịch sử vững chãi, cảm xúc dồi dào, tưởng tượng phong phú. Nhà văn kể chuyện lịch sử qua những nhân vật lịch sử, những huyền thoại… giúp người đọc hiểu thêm về các nhân vật, có thêm nhiều dữ liệu sinh động để tự tìm cho mình kiến thức và những câu trả lời hợp lý nhất.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải cho hay, sở dĩ ông đặt tên tiểu thuyết là Kiếm hoa, bởi kiếm là “từ độ mang gương đi mở cõi”, hoa là từ độ vác cày đi mở cõi. Tiểu thuyết lúc đầu chỉ viết về cuộc đời Nguyễn Hữu Cảnh từ lúc sinh ra đến khi mất đi và được đặt tên là tướng quân Khang Lộc, có độ dài 150 trang. Sau khi cuốn sách hoàn thành, ông thấy sách chưa có sức nặng, chưa nói được điều mình muốn nói là công lao của người dân đi mở cỏi. Vì vậy, ông đã bỏ cuốn sách, viết lại hoàn toàn và đặt tên Kiếm hoa.

Cũng theo nhà văn Nguyễn Thái Hải, lịch sử đi qua có thế này, thế khác thì cuộc sống của người dân vẫn đơn giản là đi tìm sự ấm no, hạnh phúc. Như ca dao cũ vẫn còn truyền ở Mô Xoài xưa đến Bà Rịa nay: “Chim bay về núi tối rồi/Chị em lo liệu lấy nồi nấu cơm/Nấu cơm rồi phải nấu canh/ Bỏ ba hột muối thêm hành cho thơm”.

My Ny

Tin xem nhiều