"Nhà giàn trong mây cách một hướng Tây Nam
Khi nước triều lên nằm ngang mặt sóng
Ngồi chờ trăng lên chung lá thư tình
Biển sóng hát ca mơ về quê nhà..."
"Nhà giàn trong mây cách một hướng Tây
Khi nước triều lên nằm ngang mặt sóng
Ngồi chờ trăng lên chung lá thư tình
Biển sóng hát ca mơ về quê nhà..."
Tôi chựng lại xúc động dâng trào khi nghe những chiến sĩ nhà giàn tâm tình qua câu hát. Chưa bao giờ các anh vui sướng như mỗi khi có văn công từ đất liền ra thăm và biểu diễn; chưa bao giờ thấy Tổ quốc mình đẹp đẽ như hôm nay; chưa bao giờ thấy niềm tin, vinh quang, trách nhiệm và tự hào được bảo vệ vùng biển, đảo, vùng trời, thềm lục địa thân yêu của Tổ quốc như lúc này. Bởi mỗi khi được nghe văn công hát múa, nỗi nhớ đất liền vơi đi một nửa, tình thương yêu được sẻ chia, được hát, được múa giữa trời biển bao la hòa cùng sóng nước với tất cả lòng mình.
Nếu ở Trường Sa, chiến sĩ "khát" văn công một thì ở các nhà giàn DK1, chiến sĩ "khát" văn công mười. Vì ở Trường Sa, cứ tháng ba, tháng tư hằng năm, đến hẹn văn công lại ra biểu diễn cho bộ đội xem, cũng có thể văn công đi theo tàu ra biểu diễn đột xuất, nhưng đối với các nhà giàn DK1 được xem văn công là vô cùng hiếm hoi. Những nhà giàn ở cụm Quế Đường, Ba Kè có thể năm được xem văn công một lần, nhưng đối với chiến sĩ các nhà giàn Tư Chính 5, Tư Chính 4, nhà giàn Cà Mau 3-4 năm, thậm chí 5 năm mới được xem văn công một lần.
Với các anh chị văn công từ đất liền ra, món quà gửi tặng các chiến sĩ biển đảo xa không gì bằng tiếng hát lời ca. Bởi, ngoài "khát" rau xanh và nước ngọt thường ngày, các chiến sĩ "khát cháy bỏng" nhất vẫn là bóng hình người con gái, được cầm tay con gái, được hát, múa, nhảy với văn công. Nhiều chiến sĩ thổ lộ "đã hơn hai năm rồi chưa một lần nhìn thấy con gái. Chỉ cần nói có văn công là cả trạm thấp thỏm chờ đợi nhiều đêm không ngủ, mong từng ngày từng giờ đoàn đến. Được hôn văn công sướng tê cả người". Các diễn viên nữ trẻ hiểu được cái "khát" của chiến sĩ DK1.
Không có ánh đèn sân khấu, không trang phục biểu diễn, trên là bầu trời rộng lớn, dưới là biển nước bao la, họ hát múa với tất cả lòng mình bằng những điệu múa lời ca, bằng trái tim sâu thẳm, chan chứa tình đời, tình người, tình đồng đội. Ai cũng xúc động bùi ngùi khi đêm khuya rồi mà chẳng muốn chia tay. Những cô văn công trẻ thì đứng, ngồi xen kẽ với các chiến sĩ để truyền hơi ấm đất liền cho các anh, tự nguyện cho các anh cầm tay. Và lỡ may "bị nhận" một nụ hôn bất ngờ cháy bỏng cũng rất vui vẻ.
Cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 bao giờ cũng coi văn công là khách đặc biệt. Ngoài tiếng pháo tay không ngớt, tiếng hò reo khan đặc cổ, các anh còn tặng cho văn công hoa muống biển, dứa hộp, còn văn công tặng cho các anh hoa hồng mang ra từ đất liền.
Văn công hát phục vụ chiến sĩ biển xa, chiến sĩ hát tặng văn công. Trung tá hát, đại tá hát..., tất cả quây quần bên nhau cùng hát. Hát cho nhau, hát vì tình đời, tình người, hát vì nhiệm vụ và niềm vui của những người lính biển nơi đầu sóng ngọn gió
Trần Mạnh Tuấn