Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Định Quán: Thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới

10:03, 21/03/2011

Trong đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2008-2010 và tầm nhìn đến năm 2015, huyện Định Quán có 3 xã: Phú Túc, Phú Vinh và Suối Nho được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới...

Trong đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2008-2010 và tầm nhìn đến năm 2015, huyện Định Quán có 3 xã: Phú Túc, Phú Vinh và Suối Nho được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới...

 

Để thực hiện có hiệu quả đề án này, ngay từ đầu, Huyện ủy Định Quán đã ban hành kế hoạch số 68; đồng thời tiến hành thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm và 5 năm. Trong đó có việc rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể từng mục tiêu, giải pháp; làm rõ các nguồn vốn huy động trong nhân dân, nguồn vốn vay tín dụng, vốn vay xóa đói giảm nghèo, nguồn vốn lồng ghép các chương trình và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo.

 

Một trong những công trình nằm trong đề án xây dựng nông thôn mới ở huyện Định Quán.

Trong 3 xã được chọn để tiến hành xây dựng điểm quy hoạch nông thôn mới, thì Phú Túc là một xã miền núi, dân số trên 14.300 người, với đa số chủ yếu sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, mặc dù Phú Túc cũng đã đạt mức tăng trưởng kinh tế hàng năm khá cao, nhưng so với yêu cầu chung thì xã vẫn còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt, để xã Phú Túc có thể phát triển bền vững theo đúng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải có những chính sách thích hợp, đồng bộ để đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, có những bước đột phá trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân trên địa bàn xã. Thực tế, trong quá trình thực hiện đề án, ngoài việc phát huy những thành tựu đạt được trong nông nghiệp, nông thôn thời gian qua, xã Phú Túc đã thực hiện lồng ghép nhiều dự án, nhiều nguồn vốn để tạo ra nhiều nguồn lực trong việc đầu tư xây dựng nông thôn mới. Điển hình nhất là năm 2010, xã đã tiến hành xây dựng 8 tuyến đường từ nguồn xã hội hóa giao thông với tổng kinh phí trên 2,9 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 70 triệu đồng bổ sung vào nguồn kinh phí xây dựng.

 

Tại xã Phú Vinh, một khó khăn, thách thức lớn đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, là nơi đây đang có trên 85% dân số là đồng bào người Hoa và các dân tộc ít người khác, quy mô sản xuất còn mang tính chất nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu. Nhưng với sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cùng với sự quan tâm đầu tư của cấp trên, trong năm 2010, xã Phú Vinh đã tiến hành xây dựng nhiều công trình phúc lợi phục vụ thiết thực cho cuộc sống - sản xuất của nhân dân địa phương. Trong đó, đáng kể nhất là các công trình: Trường tiểu học Nguyễn Huệ, hệ thống kênh mương nội đồng ấp Ba Tầng và trạm y tế xã... với tổng kinh phí xây dựng gần 35 tỷ đồng. Riêng xã cũng đã tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng, góp phần cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Vinh đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu hướng tới sự phát triển toàn diện theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở giữ  gìn những bản sắc riêng về văn hóa xã hội của địa phương.

 

Ở xã Suối Nho, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với công nghiệp - dịch vụ, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ tốt môi trường sinh thái, xã đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể của từng năm trong từng lĩnh vực. Theo đó, tổng kinh phí dự kiến phục vụ xây dựng nông thôn của xã là trên 94 tỷ đồng, được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn do nhân dân đóng góp và nguồn huy động từ các tổ chức kinh tế - xã hội khác... 

 

Hiện huyện Định Quán đang tập trung tăng cường chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới tại 3 xã điểm nói trên. Trong đó, huyện xác định vai trò làm chủ của người dân là yếu tố hết sức quan trọng, bởi có phát huy tốt vai trò của người dân, xã mới tạo được sự đồng thuận cao, huy động các nguồn lực tại chỗ để xây dựng nông thôn mới.    

 

36 năm sau ngày giải phóng và nhất là sau hơn 25 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Định Quán đã từng bước gặt hái được nhiều thành tựu rất quan trọng.

 

Về kinh tế, từ một huyện miền núi, thuần nông, đến nay Định Quán là huyện có cơ cấu kinh tế phát triển đúng hướng, với 51% là nông-lâm-thủy sản; 20,9% là công nghiệp xây dựng; 28,1% là thương mại, dịch vụ; tốc độ  tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 9,1%/năm. Huyện cũng đã huy động được vốn đầu tư trong doanh nghiệp và nhân dân, để cùng với nguồn ngân sách nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Hiện nay, toàn huyện đã có 97% số hộ được sử dụng điện, hơn 97% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Khu công nghiệp La Ngà và các cụm công nghiệp địa phương bước đầu đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ...

 

Kinh tế phát triển, các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện cũng được giữ vững và phát triển ổn định. Toàn huyện đến nay đã có 5 trường trung học phổ thông, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, 68 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non, với tổng số học sinh các cấp là trên 50.000 em; tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn gần 17% (theo chuẩn mới); năm 2010, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 15,4 triệu đồng/năm.

            P.N

Phương Nam

                                                    

 

 

 

Tin xem nhiều