Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc biệt, ngày 3-8-1991, Nhà Lớn Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được Bộ Văn hóa - thông tin (cũ) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Hiện nay, khu di tích Nhà Lớn trở thành một điểm đến khá thú vị đối với những ai yêu thích tìm hiểu các nét văn hóa đặc trưng Việt Nam bởi ở đây còn có một tôn giáo độc nhất vô nhị.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc biệt, ngày 3-8-1991, Nhà Lớn Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được Bộ Văn hóa - thông tin (cũ) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Hiện nay, khu di tích Nhà Lớn trở thành một điểm đến khá thú vị đối với những ai yêu thích tìm hiểu các nét văn hóa đặc trưng Việt
Theo tài liệu của Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhà Lớn Long Sơn do ông Lê Văn Mưu, một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, vốn xuất phát từ vùng Bảy Núi, An Giang xây dựng nên. Ông Lê Văn Mưu từng tham gia khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Sau khi khởi nghĩa thất bại, ông về lánh nạn tại vùng núi Nứa. Năm 1910, ông xây dựng Nhà Lớn để thờ Trời, Phật, Tiên, Thánh... Sau đó còn xây dựng thêm hai ngôi nhà dành tiếp khách thập phương đến thăm viếng và 5 dãy nhà dài làm nơi cư ngụ cho những người dân trong buổi đầu tới Long Sơn lập nghiệp nhưng chưa có nhà ở.
* Đạo ông Trần
Người dân xã đảo Long Sơn vẫn gọi ông Lê Văn Mưu là ông Trần hay ông Nhà Lớn, bởi sinh thời ông thường cởi trần, tóc búi tó, đi chân đất lao động. Khi ông mất, trong dân gian hình thành tín ngưỡng đạo Ông Trần. Không có kinh kệ, chuông mõ, không tệ mê tín dị đoan, đạo Ông Trần chỉ có những lời dạy truyền khẩu giữ gìn truyền thống tốt đẹp của tổ tiên. Hàng năm, vào ngày vía ông Trần (20-2 âm lịch) và ngày trùng cửu (9-9 âm lịch), Nhà Lớn tổ chức lễ hội, thu hút cả hàng chục ngàn người tới dự.
Đảo Long Sơn nằm sát đất liền, không phải đi bằng tàu thuyền, chỉ qua một cây cầu. Vùng đất này có cuộc sống sung túc, bà con chủ yếu sống bằng nghề biển. Long Sơn nổi tiếng với đạo Ông Trần, khoảng 60% trong tổng số 13.000 nhân khẩu của xã này theo đạo. Đạo Ông Trần ít quan tâm đến giáo lý, triết lý, chỉ chú tâm nhiều vào việc thờ cúng, tu thân tích đức, làm việc nhân nghĩa.
Ông Đào Trọng Hải, Phó chánh án Tòa án nhân dân TP. Vũng Tàu cho biết thêm: Người dân theo đạo Ông Trần sống rất tốt, tôn trọng trật tự nên hầu như không thấy có vụ nào vi phạm pháp luật hình sự xảy ra. Ông Võ Văn Mùi, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Long Sơn thì không giấu nổi vẻ tự hào: Xã Long Sơn đã hai lần được phong danh hiệu Anh hùng. Bà con theo đạo Ông Trần giữ được nền nếp văn hóa, thuần phong mỹ tục, sống mộc mạc, chất phác, tệ nạn xã hội hay án hình sự hầu như không đáng kể.
* Di tích kiến trúc nhà lớn
Nhà Lớn là khu vực nhà thờ của đạo Ông Trần gồm một quần thể kiến trúc phần lớn đều được xây dựng ngót một trăm năm nay bằng gỗ, vách ván, cột gỗ, gác gỗ... Nhà Lớn có khu điện thờ chính, phụ, khu bếp, nhà ở, có Lầu Tiên, Lầu Phật... Những vật dụng bên trong khu nhà cũng thế, bếp đun bằng củi, bàn ghế gỗ, thúng mủng cũ kỹ... Vào Nhà Lớn, có thể nhìn thấy những người dân chất phác làm việc hay ngồi uống trà như một thời
Khu Nhà Lớn có diện tích khoảng 2 hécta, chia thành nhiều phân khu: đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ ông Trần. Khu nhà trưng bày nhiều đồ vật được chạm trổ tinh xảo như: bàn ghế, tủ thờ, câu đối, hoành phi đại tự... Đặc biệt, tại đây còn lưu lại bộ bàn ghế bát tiên (khắc hình 8 vị tiên ông, được cẩn hoa cương và xà cừ).
Đến thăm Nhà Lớn, du khách còn được thưởng thức các món khoai mì hấp nước dừa trộn đậu phộng; bánh ít trần, bánh quy... đặc trưng Long Sơn, nghe các bô lão kể về nhiều tục lệ cũ còn tồn tại ở vùng này. Hiện nay, bên cạnh Nhà Lớn còn những dãy nhà dài hàng chục mét, chia thành từng căn, có rất nhiều gia đình chung sống như một chung cư, dấu tích của tư tưởng đoàn kết một thời khai hoang, nương tựa vào nhau để mở mang một vùng đất khô cằn này...
Nhà Lớn là một điểm thu hút khách du lịch của Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều khách quốc tế đã không hết ngạc nhiên khi tìm hiểu về điểm du lịch độc đáo này.
Huy Vũ