Doanh nghiệp phải tốn tiền, công sức, thời gian để tuyển chọn, đào tạo cho người lao động thành thạo công việc trên dây chuyền sản xuất hay ở một bộ phận nào đó trong đơn vị. Thế nhưng, thời gian làm việc tại doanh nghiệp chưa được bao lâu, thì có những người lao động đã chuyển sang công ty khác với những điều kiện hấp dẫn hơn về thu nhập, cơ hội thăng tiến, môi trường lao động,...
Doanh nghiệp phải tốn tiền, công sức, thời gian để tuyển chọn, đào tạo cho người lao động thành thạo công việc trên dây chuyền sản xuất hay ở một bộ phận nào đó trong đơn vị. Thế nhưng, thời gian làm việc tại doanh nghiệp chưa được bao lâu, thì có những người lao động đã chuyển sang công ty khác với những điều kiện hấp dẫn hơn về thu nhập, cơ hội thăng tiến, môi trường lao động,...
* Nhiều lý do để "nhảy việc"
Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh của Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh đến nay đã được 7 năm, nhưng chị L.N. (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa - vì lý do tế nhị, người viết chỉ ghi tên tắt) đã "nhảy việc" qua 6 công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Chị L.N. cho biết, ngày mới ra trường chị đã có ý định phải "nhảy" qua nhiều công ty khác nhau để có được kinh nghiệm, sau đó mới "hạ cánh" ổn định lâu dài ở một công ty mà chị cho là tốt nhất. Các công ty mà chị L.N. đã nhảy việc gần đây là: Tuico, Leader (KCN Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), Nutriway Vietnam (TP.Biên Hòa) và hiện tại dù có nhà cửa ở Biên Hòa nhưng chị lại làm việc ở một công ty tư vấn và đào tạo phát triển doanh nghiệp tại... Đà Nẵng! Mỗi lần "nhảy việc", chị lại có một lý do khác nhau: Lần chuyển từ Tuico qua Leader vì vợ chồng làm chung trong một công ty không tiện lắm; lần chuyển tới Nutriway
Ngày càng có nhiều công nhân tranh thủ thời gian học nghề, nâng cao trình độ với hy vọng có công việc phù hợp và thu nhập cao hơn. |
Một trường hợp khác, anh L.V.V. là lao động phổ thông từ miền Bắc vào TP.Biên Hòa làm công nhân từ năm 2007 đến nay. Anh đã từng "nhảy việc" qua nhiều công ty khác nhau. Công ty anh đến làm việc lâu nhất là 1 năm, còn các công ty còn lại chỉ được chừng 7 tháng, thậm chí có khi là hơn một tuần. Lý do anh L.V.V. đưa ra ở mỗi lần nhảy việc là vì muốn thu nhập cao hơn và công việc phù hợp. Khi được hỏi, anh có đạt được mục đích khi nhảy việc hay không, anh V. cho biết: "Nghe quảng cáo của nhà tuyển dụng thì có vẻ hấp dẫn, nhưng khi "nhảy" qua làm thì thu nhập lại "bèo" hơn cả công ty cũ. Có công ty thì thu nhập cao hơn mấy chục ngàn đồng mỗi tháng nhưng đến cuối năm tôi không được thưởng lương tháng thứ 13 vì mình làm chưa đủ 1 năm trở lên".
Là nhân viên nữ làm việc trong một cơ quan nhà nước, chị N.T.P.T. (ở phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) muốn làm công việc ổn định. Tuy nhiên, ông xã của chị T. lại thường xuyên "nhảy việc" qua nhiều công ty khác nhau. Mỗi lần ông xã "nhảy việc" là một lần chị T. lại phải mất ăn mất ngủ vì lo cho hành trình đi tìm công việc mới của chồng. "Lý do để anh ấy thường xuyên "nhảy việc" thì cũng rất đa dạng, nào là công việc không phù hợp, xa gia đình. Khi công việc gần nhà, lương cao thì anh bảo môi trường làm việc lại quá tệ. Lần gần đây nhất, ông xã tôi đã từ bỏ công việc ở một công ty với thu nhập 15 triệu đồng/tháng chỉ vì cảm thấy mối quan hệ trong công ty không phù hợp. Có khi ở công ty lương cao, nhưng công việc nhàn nhã và ít phải vận động trí óc là anh ấy cũng nghĩ đến chuyện "nhảy" sang công ty khác để phát huy khả năng của mình".
* Tính già coi chừng hóa non!
"Nhảy việc" là hiện tượng bình thường trong môi trường lao động. Thậm chí, càng ngày hiện tượng "nhảy việc" trên thị trường lao động càng phổ biến. Muốn giảm được hiện tượng này, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có một chiến lược quản trị nhân sự chặt chẽ hơn để giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề.
Ông Phạm Văn Vui, Phó giám đốc nhân sự Công ty TNHH VMEP (TP.Biên Hòa) cho biết: "Hiện tượng người lao động nhảy việc ở VMEP có nhưng không nhiều. Ngoài những lao động đang làm lại nhảy việc sang đơn vị khác thì cũng có không ít lao động muốn đến đây làm việc". Phân tích hiện tượng này, ông Vui cho rằng cả doanh nghiệp và người lao động đều phải chịu những thiệt thòi nhất định: Doanh nghiệp phải tốn thêm thời gian, tiền bạc, công sức cho việc tuyển dụng, đào tạo mới để thay thế; người lao động thì có thể sẽ được hưởng lương cao hơn một chút ở công ty mới, nhưng lại mất đi quá trình phấn đấu, thâm niên làm việc ở công ty cũ, mất thêm một thời gian tiếp sau đó để được tăng lương...
Suy nghĩ kỹ trước khi "nhảy việc" Theo ông Phạm Văn Vui, Phó giám đốc nhân sự VMEP, thì: Trước khi nhảy việc, người lao động nên suy nghĩ và tính toán thiệt hơn một cách kỹ lưỡng. Khi đi phỏng vấn ở công ty mới, chủ doanh nghiệp bao giờ cũng cẩn trọng hơn với những người hay có thói quen "nhảy việc". Ngoài ra, nhà tuyển dụng còn đánh giá rằng đó là những người không có tính ổn định cao. Riêng với chủ doanh nghiệp Nhật Bản hay Hàn Quốc, họ đánh giá người có thói quen "nhảy việc" ở mức độ trung thành và vì vậy doanh nghiệp sẽ không mạnh dạn giao những công việc quan trọng, đòi hỏi sự trung thành cao. C.N |
Một trong những mục đích chính của người lao động khi "nhảy việc" là muốn đạt được mức thu nhập cao hơn so với công ty cũ. Tuy nhiên, nhảy việc thành công thường chỉ đến với những người lao động có trình độ cao và biết tính toán kỹ. Đối với lao động phổ thông, "nhảy việc" để đạt được mức thu nhập cao hơn ở công ty cũ từ 18-25% là điều hiếm khi xảy ra. Theo kinh nghiệm của ông Bùi Quang Hinh, Trưởng phòng tổng vụ, kiêm công tác tuyển dụng của Công ty TNHH Hwasung Vina (KCN Biên Hòa 2) thì, mức lương dành cho lao động phổ thông ở các doanh nghiệp thường chênh lệch nhau nhưng không quá lớn. "Nếu không tính toán cẩn thận, cứ thấy doanh nghiệp thông báo tuyển dụng với mức thu nhập khủng mà nhảy vào là bị thiệt ngay" - ông Hinh đưa ra lời khuyên.
Cũng theo ông Hinh, lao động muốn có một công việc với thu nhập ổn định nên nghiên cứu kỹ công ty mình muốn xin việc, về tiền lương, thưởng, các khoản phụ cấp, đặc biệt là phải hiểu rõ về cách tính lương của doanh nghiệp đó, có sự so sánh với các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, thời gian làm việc. Bởi, có thể nhìn tổng mức thu nhập hàng tháng thì cao, nhưng nếu tính thành phần thu nhập thì lại bình thường hoặc rất thấp so với công sức và thời gian mà người lao động đã bỏ ra. "Để đạt được mức thu nhập cao như doanh nghiệp đã quảng cáo, rất có thể mỗi ngày người lao động phải tăng ca thêm vài tiếng đồng hồ, hay làm cả ngày chủ nhật. Với cường độ làm việc như vậy sẽ khó đảm bảo được sức khỏe lâu dài và có thời gian quan tâm tới gia đình và bản thân" - ông Hinh cho biết.
Đặng Công