Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới (giai đoạn 2011-2015)
Lâu dài và không đơn giản...

07:03, 07/03/2011

Dù đã có một số kết quả nhất định, nhưng để thực hiện được mục tiêu bình đẳng giới theo chiến lược quốc gia, cần phải nhận diện những điều chưa hợp lý vẫn còn tiềm ẩn, lẩn khuất.

Dù đã có một số kết quả nhất định, nhưng để thực hiện được mục tiêu bình đẳng giới theo chiến lược quốc gia, cần phải nhận diện những điều chưa hợp lý vẫn còn tiềm ẩn, lẩn khuất.

 

* Nhiều tín hiệu vui

 

Nhận xét về hiệu quả thực hiện bình đẳng giới, bà Trần Thị Ái Liên, Phó trưởng phòng cán bộ công chức Sở Nội vụ, cho rằng đã có những chuyển biến tích cực về nhiều mặt từ nhận thức đến hành động, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ ngày càng được quan tâm. Cụ thể, trong thời gian qua tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XII của tỉnh đã đạt 30%, nữ đại biểu HĐND các cấp đạt từ 22,1 - 31,5%. Tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, việc cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ cũng đã trở nên khá phổ biến, thống kê cho thấy tỷ lệ nữ cán bộ là lãnh đạo trong hệ thống quản lý Nhà nước đạt xấp xỉ 22%. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 20-9-2010 về việc ban hành quy định tạm thời hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ công chức, viên chức, trong đó nữ được ưu tiên hưởng mức trợ cấp cao hơn nam. Ngoài ra, phụ nữ khi đi học tập trung còn được ưu tiên mang theo con nhỏ để chăm sóc, cho thấy xã hội đã "thoáng" và quan tâm nhiều hơn, thực chất hơn đến quyền của phụ nữ.

Công nhân một doanh nghiệp gỗ ở Vĩnh Cửu trên dây chuyền sản xuất.(Ảnh: H.L)

Bà Phạm Thị Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, chỉ riêng trong ngành GD-ĐT, hiện nữ cán bộ làm công tác quản lý trong các trường học đạt tỷ lệ rất cao, chiếm đến 60%. Trong tổng số 81 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú có đến 35 nhà giáo nữ (đạt 43,2%). Trong số cán bộ, giáo viên có trình độ tiến sĩ, nữ chiếm tỷ lệ 33,3%; ở trình độ thạc sĩ, nữ chiếm 27,3%; giáo viên nữ đạt thành tích giáo viên giỏi cấp tỉnh chiếm 47,6%. Tỷ lệ trẻ em gái được đến trường học hành, theo học ở các cấp lớp cũng ngày một cao hơn, ngay cả ở vùng sâu, vùng xa. Những năm gần đây, ngành còn tổ chức tư vấn, vận động nữ sinh THCS và THPT sớm chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường lao động.

 

Ngoài ra, một số vấn đề khác trong thực hiện bình đẳng giới cũng được xã hội bước đầu chú trọng, như phòng chống bạo lực gia đình. Toàn tỉnh hiện đã thành lập 628 nhóm phòng chống bạo lực gia đình với 3.140 thành viên  trên địa bàn 614 ấp, khu phố; có 441 địa chỉ tin cậy trong cộng đồng. Năm 2010, toàn tỉnh đã phát hiện 210 trường hợp gia đình có nguy cơ bạo lực, giải cứu được 66 nạn nhân, hỗ trợ 34 nạn nhân.

 

* Có mừng, vẫn lo...

 

Nhìn vào các chỉ tiêu trong chiến lược thực hiện bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội nhận định, để đạt được các mục tiêu trên là cả một quá trình lâu dài, khó khăn, trong đó quan trọng nhất là đảm bảo bình đẳng về thực chất. Trong việc phân biệt đối xử về giới, vẫn còn phổ biến tình trạng các lãnh đạo cơ quan, đơn vị ngại ngần, tránh né không muốn nhận nhân viên là nữ vì sợ liên quan đến các chế độ thai sản, hậu sản, con đau ốm... ảnh hưởng đến công việc. Trong các gia đình, tâm lý sinh con trai nối dõi vẫn còn khá nặng nề, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính. Bà Phượng cho biết, tỷ lệ giới tính trẻ mới sinh hiện nay trên địa bàn rất cao, 114 nam/100 nữ. "Đây là một tỷ lệ mất cân đối giới tính khá cao. Bây giờ có thể chúng ta chưa nhìn thấy rõ tác hại của sự mất cân đối này, nhưng 10, 20 năm sau thử nghĩ cứ 100 người đàn ông lại có 14 người không thể lấy vợ, lập gia đình, sẽ thấy sự việc nghiêm trọng đến thế nào" - bà Mỹ Phượng lo ngại nói.

Một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 trong thực hiện bình đẳng giới

- Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu HĐND các cấp từ 30% trở lên.

- 70% sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

- Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30%.

- Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề chuyên môn kỹ thuật trên 30%.

- Tỷ lệ nữ tiến sĩ đạt 15%, thạc sĩ đạt 30%.

- Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 110 bé trai/100 bé gái.

- Rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần.

- 70% số người gây bạo lực tại gia đình được phát hiện, 40% nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn đề pháp lý, sức khỏe, được chăm sóc và hỗ trợ tại các cơ sở trợ giúp

 

Bà Hải thì bày tỏ sự lo ngại các chính sách trong giáo dục hiện nay sẽ phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến bình đẳng giới. Ví dụ, việc tăng học phí được áp dụng từ năm 2011 sẽ làm tăng nguy cơ bỏ học của trẻ em gái, bởi trong thực tế khi điều kiện gia đình gặp khó khăn, tâm lý thiên vị trẻ em trai sẽ khiến trẻ em gái có nguy cơ bị buộc nghỉ học cao hơn. "Nếu chúng ta giả định rằng trẻ em trai và gái có khả năng như nhau, thì việc thiên vị trẻ em trai sẽ dẫn đến một số em trai có khả năng thấp hơn lại được học hành nhiều hơn trẻ gái. Như thế, chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội sẽ thấp hơn mức có thể đạt được, dẫn đến kiềm hãm nền kinh tế" - bà Hải phân tích.

 

Ông Doãn Hồng Phú, quyền Trưởng phòng Bình đẳng giới Sở Lao động - thương binh và xã hội cho rằng, bình đẳng thực chất là bình đẳng cả về phương thức đối xử (văn bản, quan điểm, chủ trương đường lối) và kết quả thực tế của phương thức đối xử đó. Vì trên thực tế có sự khác biệt về giới tính làm cho nam nữ không thể ngang nhau, bằng nhau hoặc giống nhau một cách hoàn toàn, nên khi đạt một số tỷ lệ nhất định nào đó, thì có thể đã xem là bình đẳng. Vấn đề là để đạt được các chỉ tiêu đưa ra, cần phải có sự "vào cuộc" của cả hệ thống chính trị, trong đó quan trọng nhất là làm chuyển biến về mặt nhận thức vốn đã ăn sâu trong tiềm thức của cả xã hội, ngay cả đối với phụ nữ - đối tượng cần được bình đẳng. Thực hiện bình đẳng giới sẽ là cuộc đấu tranh vẫn đầy cam go và lâu dài.

 

Quy định về mức hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng của nữ cán bộ công chức, viên chức theo Quyết định 59/QĐ-UBND tỉnh

- Tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng có thời gian tập trung học từ 1 tháng trở lên được hưởng thêm 100 ngàn đồng/người/tháng.

- Đang nuôi con nhỏ từ 5 tuổi trở xuống còn được ưu tiên hưởng các trợ cấp sau:

+ Thời gian tập trung học từ 1 tháng trở lên được hưởng thêm 1 suất là 800 ngàn đồng/người/tháng.

+ Thời gian tập trung học từ 5 ngày đến dưới 1 tháng được hưởng thêm 1 suất là 30 ngàn đồng/người/ngày.

Thanh Thúy

 

 

.

 

 

Tin xem nhiều