"Nhớ đến Yến Lan là người ta nhớ đến một nhà thơ, suốt đời ông sống cho thơ, cho đến phút chót... Ông là con người của thơ ca, là những gì mà thơ mang trong mình nó: Thanh sáng, tinh túy và cao thượng. Ông yêu thơ trong thầm lặng như một mối tình dài (...), người làm thơ lớp sau gọi là "bố già" của loại thơ tứ tuyệt, tưởng đã mấy người được như thế" (Ngô Văn Phú).
"Nhớ đến Yến Lan là người ta nhớ đến một nhà thơ, suốt đời ông sống cho thơ, cho đến phút chót... Ông là con người của thơ ca, là những gì mà thơ mang trong mình nó: Thanh sáng, tinh túy và cao thượng. Ông yêu thơ trong thầm lặng như một mối tình dài (...), người làm thơ lớp sau gọi là "bố già" của loại thơ tứ tuyệt, tưởng đã mấy người được như thế" (Ngô Văn Phú).
Đọc thơ của nhà thơ Yến Lan, hẳn ta sẽ đồng tình với lời nhận định trên của nhà văn Ngô Văn Phú. Nhà thơ vốn yêu thích và làm thơ khá lâu trước cách mạng, từ những năm 1937-1938, trên văn đàn nước ta đã xôn xao và tốn khá nhiều giấy mực bởi "Bến My lăng", một bài thơ có những nét bàng bạc u hoài của thơ cổ: "Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu/Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/Ông lái buồn để gió lén mơn râu". Nhưng mãi đến 20 năm sau (1957), ông mới cho ra đời tập thơ đầu "Những ngọn đèn". Tập thơ có những cái được và cái chưa được. Đó là sự giao thoa chưa được phân minh giữa cái cũ và cái mới, còn đan lẫn phần tốt lành với những non yếu lệch lạc. Một phần nào nó nói lên sự bối rối và thiếu ổn định trong nhận thức và cảm xúc của nhà thơ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bài có cảm xúc và cách viết khỏe khoắn, có tình thật và đậm giữa tác giả với cuộc sống - đó là tình đời, tình người trong lành mà cách mạng đã vun đắp cho ông. Đó là hình ảnh mảnh đất Bình Định đang hồi sinh cùng cách mạng được tác giả phác thảo bằng những nét bút khỏe khoắn: "Bùn rắn lại trên bàn tay cày cuốc/Trán công nhân rực thét lửa chân đe/Nét khẩu hiệu, tay huơ bừng ngọn đuốc/Tay vít căm thù bén những thanh tre". Đó là hình ảnh đổi thay của một tỉnh nhỏ hiu hắt, ngưng động xưa, trong cuộc đời mới. Chỉ một vài chi tiết điển hình, dăm bảy câu thơ nhưng tác giả đã thâu tóm được thần thái cảnh vật: "Tỉnh nhỏ/Đìu hiu/Mặt trời ngủ giữa chiều/Trở mình trên mái rạ/...Tỉnh nhỏ/Cô em - nằm xem - kiếm hiệp/... Hàng rong - gặp hàng rong/Đưa mắt nhìn nhau qua mẹt bánh/Anh khóa nghèo lên tỉnh/Lá đơn cặp với cán ô" (Lại về tỉnh nhỏ)...
...Rồi đến tập thơ "Tôi đến tôi yêu" (1962), một tập thơ được người đọc đón nhận với nhiều cảm tình. Tạo được bước chuyển ấy, bên cạnh nhiều yếu tố khác, có một nguyên nhân quan trọng là ông đã cố gắng gắn mình với cuộc sống. Ông đã náo nức đi trên Những đoạn đường. Cảnh vật và con người trên những đoạn đường ấy góp cho ông cả một phần thơ trong tập thơ. Ông đến với rừng, ra với biển, lên miền cao, về hợp tác xã, đến với công trường, ngư trường để sống và nhận thức lại cuộc sống: "Tôi đã tìm ra những nét diệu kỳ-trong tất cả những gì quen thuộc trước". Đó là những lần ông Theo gió xuân lên biên giới, ông say với cảnh vật, tình người. Nhịp thơ bảy chữ cũng say theo nhịp tim và nhịp con tàu: "Đi lên - đi lên tàu như say/Tàu trôi qua miền hoa bắp lay/ Nắng biếc sông Thương thuyền chở khuất/Nhà sàn khói đã bén nương cây/Đi lên - đi lên đồng bậc thang/Rạ cũ còn ôm mùi lúa vàng/Chiều hợp tác chiêng rung sắc núi/Quả bóng chuyền giữa hai tiếng vang". Cảm xúc thơ của ông đã gắn bó nhiều hơn với cuộc sống lao động bình thường. Chia tay với nông thôn sau một thời gian đi thực tế ngắn ngủi -"sóng gió chưa mòn chóp nón - quảng ngày lao động ít oi", ông lưu luyến bịn rịn: "Tạm biệt cánh đồng như con mắt biếc/Tôi đến tôi yêu - tôi về tôi tiếc". Ông hiểu hơn để yêu hơn những con người lao động bình thường đang ngày đêm dựng xây cuộc sống mới... "Tôi đến tôi yêu" của ông đã như dứt được những hình tượng câu chữ rắc rối, những buồn thương khắc khoải và thay vào đó là những vần thơ, ý thơ sáng sủa, tình đời, tình người ấm áp lên nhiều...
Hai tập thơ tiếp theo: "Lẵng hoa hồng" (1968) và "Giữa hai chớp đỏ" (1978) cho ta thấy những cố gắng mới, khởi sắc mới trong thơ ông trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước - một giai đoạn lịch sử mà thực tế hào hùng của dân tộc đã trở thành sức kích thích động lực sáng tạo bên trong mỗi nhà thơ. Thơ ông phấn chấn hào hứng với những chiến thắng dồn dập như An Lão, Bình Giã, Vạn Tường, Khe Sanh - Đường Chín. Rồi hình ảnh cả nước ra trận với những tiễn đưa, chờ đợi, với niềm tin chiến thắng cũng in dấu ấn trong "Hà Nội đinh ninh", "Chùm thơ tiễn đưa", "Bếp lửa đêm nay"... và ở đó, có cả những hình ảnh bếp lửa trong những đêm tòng quân nhóm bừng lên giữa xóm làng hậu phương, ở mỗi gia đình tiễn con lên đường ra trận. Ấm áp, gần gũi, mà thiêng liêng biết bao ánh sáng và hơi ấm của bếp lửa ấy: "Cái quầng sáng lòng hậu phương không ngủ/Cánh hoa hiện trên ngực đất anh hùng/Anh soi vào thấy sắc mặt cha ông" (Bếp lửa đêm nay). Rồi Hà Nội trong thơ ông, càng ngày càng gần gũi thân thương. Đó là Hà Nội với tư thế vóc dáng "đi trên mảnh vụn đuya-ra; Nghe âm vang trên ngọn thắm cây già"; là Hà Nội vào những ngày hè chống Mỹ, với phượng đỏ, ráng chiều và lòng người nồng nhiệt: "Và Hà Nội bỗng thích nhìn Hà Nội/Mỗi đêm qua thêm đậm vẻ hồng hào/Ôi cái bắt tay nào cũng vội/Mà hơi ấm tay chuyền ấm vẫn lâu". Tấm lòng, sự tin yêu con người và cuộc sống ấy cũng được ông gửi gắm vào những bức tranh miêu tả cuộc sống mới. Đó là "Khuôn dấu trên cột bưu điện" với tứ thơ cô đọng nói về tinh thần tự giác - làm chủ của những người công nhân bưu điện vùng núi Minh Cầm heo hút. Và "Nét mới Thái Bình" với những câu thơ phóng khoáng với cảnh đồng quê mới: "Nghe chim hót cành tơ mười chín dặm/Nghe gió trở chiều trong sương lục điền thanh"...
Vào tuổi "quá niên trạc ngoại ngũ tuần", ông nói về tâm tình của mình nhiều hơn trong thơ, nhất là ở những bài gắn với những gì thiết cốt, gần gũi. Ông có Chùm thơ gửi con ở chiến trường; rồi ông viết về tình nghĩa vợ chồng, tình gia đình, tình ông cháu. Người đọc thấy rõ hơn tình cảm hồn hậu của ông đối với đời, với người. Ông nói về tình bạn tri kỷ, cũng lại là ôn lại đời mình, nhớ quá khứ để tin thêm hiện đại và tương lai: Rồi năm tháng cách xa - Thành công chen thất bại - Có nỗi buồn khỏe ra - Có niềm vui chạnh mãi... Giá có giọng hát hay - Ta cất tung trời đất - Được giãi hết niềm vui - Lời say thường vốn thật...
Thế mà, ông đã đi vào cõi vĩnh hằng hơn 10 năm trời. Thời gian tuy chưa lâu, nhưng cũng đủ để cho ta chiêm nghiệm lại một lần nữa những vần thơ của ông- những vần thơ "êm như những dòng sông" (chữ dùng của Hoài Thanh - Hoài Chân), những vần thơ mà "chỉ có cái mắt kỳ ảo của Yến Lan, voyant như người Pháp nói mới thấy, mới nhìn được..." (Chế Lan Viên).
Nguyễn Viết Chính