Năm 2004, Bộ Văn hóa - thông tin đã ra quyết định công nhận địa điểm thành lập Trung ương Cục miền Nam (thời kỳ 1961-1962) là di tích quốc gia. Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962) thuộc địa phận xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.
Năm 2004, Bộ Văn hóa - thông tin đã ra quyết định công nhận địa điểm thành lập Trung ương Cục miền Nam (thời kỳ 1961-1962) là di tích quốc gia. Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962) thuộc địa phận xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.
Ngày 23-1-1961, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam và chỉ định Ban chấp hành gồm 8 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) làm Bí thư. Trung ương Cục miền Nam được giao nhiệm vụ lãnh đạo toàn bộ chiến trường miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào.
Sự hình thành của Trung ương Cục miền Nam tại Chiến khu Đ tạo ra một bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân miền Nam. Từ vùng rừng núi Tây Ninh, cán bộ, chiến sĩ của Xứ ủy Nam bộ hành quân vượt rừng, mở đường đến căn cứ Mã Đà thuộc vùng rừng núi Chiến khu Đ xây dựng căn cứ, đứng chân hoạt động. Với địa thế của vùng rừng núi bạt ngàn, Mã Đà chính thức trở thành căn cứ đầu tiên của Trung ương Cục miền Nam. Tại Mã Đà, ngày 10-10-1961, Hội nghị Trung ương Cục lần thứ nhất được tổ chức. Hội nghị đã nêu lên 10 nhiệm vụ cụ thể đối với các cấp Đảng bộ miền Nam. Việc thành lập Trung ương Cục miền Nam và tổ chức Hội nghị lần thứ I đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách về chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng.
Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, nguyên Thủ tướng Chính phủ khi tham dự lễ trùng tu, tôn tạo di tích này, cho rằng: "... Tuy thời gian Trung ương Cục miền Nam đóng chân trên địa bàn Mã Đà, Chiến khu Đ không lâu nhưng lại có ý nghĩa lịch sử rất lớn. Đây chính là nơi ra đời và thành lập Trung ương Cục miền Nam đầu tiên trong thời kỳ chống Mỹ, là nơi Trung ương Cục miền Nam quyết định xây dựng Chiến khu Đ mở rộng thành khu A, nơi thành lập các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu của Trung ương Cục miền Nam. Việc bảo tồn di tích là việc làm cần thiết nhằm ghi lại một cột mốc lịch sử lớn có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta cho các thế hệ mai sau...".
Phan Đình