Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá trị thời đại của Ngày Quốc tế lao động

08:04, 29/04/2011

Những năm cuối thế kỷ XIX, khi nền sản xuất tư bản chủ nghĩa bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, giai cấp tư sản tăng cường đàn áp, bóc lột công nhân. Trong cuộc đấu tranh này, vấn đề đấu tranh rút ngắn thời gian lao động có ý nghĩa hết sức quan trọng và đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.

Những năm cuối thế kỷ XIX, khi nền sản xuất tư bản chủ nghĩa bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, giai cấp tư sản tăng cường đàn áp, bóc lột công nhân. Trong cuộc đấu tranh này, vấn đề đấu tranh rút ngắn thời gian lao động có ý nghĩa hết sức quan trọng và đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.

 

Ngay sau khi Quốc tế I được thành lập vào năm 1864, C.Mác đã coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Đại hội I Quốc tế I họp vào tháng 9-1866 đã xem việc đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ là nhiệm vụ trước mắt. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của công nhân lao động Mỹ, năm 1868, giới cầm quyền Mỹ đã phải thông qua đạo luật ngày làm việc 8 giờ nhưng chỉ áp dụng trong các cơ quan của chính phủ, còn các xí nghiệp tư nhân vẫn phải làm việc 11-12 giờ/ngày.

 

Người lao động trên dây chuyền sản xuất.Ảnh: N. ĐỊNH

Ngày 1-5-1886 đánh dấu sự ra đời ngày Quốc tế lao động bằng cuộc biểu tình, bãi công của 40 ngàn công nhân toàn thành phố Chicago và hưởng ứng của 5.000 cuộc bãi công với 340 ngàn công nhân tham gia trên các thành phố của nước Mỹ. Mặc dù các cuộc biểu tình bị đàn áp dã man ở nhiều nơi, song đã có khoảng 12 vạn rưỡi công nhân giành được quyền làm việc 8 giờ mỗi ngày. Khẩu hiệu "Ngày làm việc 8 giờ" trở thành tiếng nói chung của toàn thể giai cấp công nhân.

 

Ngày 14-7-1889, Đại hội thành lập Quốc tế II được tổ chức tại Paris (Pháp) dưới sự lãnh đạo của Frederic Engels đã quyết định lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1-5 hàng năm trở thành Ngày truyền thống đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới (gọi tắt là ngày Quốc tế lao động). Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890, lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 1-5 được tổ chức trên quy mô thế giới.

 

Ở Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam cũng lấy ngày 1-5 là ngày đoàn kết đấu tranh của mình. Cuộc đấu tranh ngày 1-5-1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930 - 1931. Sau cách mạng tháng Tám 1945, ngày 1-5 trở thành ngày hội lớn của nhân dân lao động. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ở các vùng bị tạm chiếm, cuộc đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 vẫn được tổ chức và diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi.

 

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã xuất hiện ngày càng đông đội ngũ công nhân trí thức. Giai cấp công nhân đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết 20- NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã xác định: "Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội...".

 

125 năm qua, ngày 1-5 đã trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Ngày này đã đi vào lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới vì một tương lai hòa bình và tiến bộ xã hội.

Vũ Trung Kiên

 

Tin xem nhiều