Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Hà Huy Tập (24-4-1906 - 24-4-2011)
Tấm gương kiên trung, bất khuất của người cộng sản

09:04, 22/04/2011

Trên con đường cách mạng, Hà Huy Tập đã trải qua nhiều công việc và hoạt động khác nhau cho đến lúc giữ trọng trách là Tổng bí thư của Đảng (1936-1938). Hà Huy Tập luôn thể hiện một nhân cách và nghị lực sống với lý tưởng vì dân, vì nước; luôn tỏ rõ bản lĩnh và chí khí của một người cộng sản, sẵn sàng xả thân cho lý tưởng cách mạng.

Cố Tổng bí thư Hà Huy Tập.

Trên con đường cách mạng, Hà Huy Tập đã trải qua nhiều công việc và hoạt động khác nhau cho đến lúc giữ trọng trách là Tổng bí thư của Đảng (1936-1938). Hà Huy Tập luôn thể hiện một nhân cách và nghị lực sống với lý tưởng vì dân, vì nước; luôn tỏ rõ bản lĩnh và chí khí của một người cộng sản, sẵn sàng xả thân cho lý tưởng cách mạng.

 

Được giáo dục tinh thần yêu nước từ nhỏ, nên khi là giáo viên, Hà Huy Tập luôn dạy học trò của mình đạo lý làm người, kể cho học sinh nghe về những tấm gương anh hùng bất khuất trong lịch sử, khơi dậy trong các học trò tình cảm yêu nước, thương nòi, căm thù kẻ xâm lược. Giữa năm 1925, Hà Huy Tập đã cùng một số đồng nghiệp ký bản kiến nghị đòi thực dân Pháp phải thả cụ Phan Bội Châu; tổ chức phong trào để tang nhà yêu nước, chí sĩ Phan Chu Trinh năm 1926. Hà Huy Tập đã tham gia Hội Phục Việt - một tổ chức yêu nước lúc bấy giờ.

 

Để xây dựng cơ sở cho Hội Phục Việt, Hà Huy Tập và các đồng chí của ông đã tổ chức nhiều lớp học buổi tối cho công nhân, mục đích thực là tập hợp để dễ dàng tuyên truyền cách mạng. Nhà cầm quyền lúc ấy đã điều chuyển người thầy giáo trẻ đi đến rất nhiều nơi. Sau khi từ chối nhận nhiệm vụ thuyên chuyển của nhà cầm quyền, Hà Huy Tập được Hội Phục Việt cử vào Sài Gòn hoạt động bí mật. Trong môi trường mới, Hà Huy Tập đã lao vào các hoạt động khác nhau, tổ chức các cuộc đình công, các phong trào tuyên truyền, giáo dục... Nhờ đó, tổ chức Tân Việt (tên mới của Hội Phục Việt) được xây dựng và mở rộng ảnh hưởng ở Nam kỳ.

 

Tháng 5-1929, Quốc tế Cộng sản tạo điều kiện để Hà Huy Tập sang Liên Xô học tại Trường đại học Phương Đông. Đầu năm 1932, Hà Huy Tập được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động. Do trục trặc, nên đồng chí không thể trở về nước. Tháng 6-1934, đồng chí cùng Lê Hồng Phong quyết định thành lập Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng tại Ma Cao. Hà Huy Tập được đề cử vào ban chỉ huy với vai trò ủy viên, phụ trách tuyên truyền, cổ động, quản lý tạp chí Bônsêvich. Ban chỉ huy ở ngoài - lúc này có vai trò như Ban chấp hành Trung ương Đảng, chỉ đạo mọi hoạt động của các cấp ủy Đảng ở trong nước - đã gấp rút chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng lần thứ nhất vào ngày 27-3-1935 do Hà Huy Tập chủ trì. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của Đảng, các hoạt động của Hà Huy Tập lúc ấy đã có công lớn khôi phục tổ chức và ban lãnh đạo của Đảng.

 

 
Khu tưởng niệm đồng chí Hà Huy Tập tại huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh).

Năm 1936, Hà Huy Tập bí mật về nước, đặt cơ quan ở làng Tân Thới Nhứt, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh). Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất, ngày 26-7-1936, đồng chí được bầu làm Tổng bí thư của Đảng khi vừa tròn 30 tuổi. Hà Huy Tập đã cùng Ban chấp hành Trung ương tiến hành xây dựng lại các tổ chức Đảng và kết nạp đảng viên. Ngày 1-5-1938, Hà Huy Tập bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn, nhưng vì không có bằng chứng, đồng chí bị kết án 2 tháng tù và 5 năm quản thúc tại quê. Ngày 30-3-1940, thực dân Pháp lại bắt Hà Huy Tập đưa vào Khám lớn Sài Gòn.

 

Ngày 3-9-1940, Tòa án thực dân đã xử Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập mỗi người 5 năm tù, 10 năm quản thúc. Tuy nhiên, sau khi khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra và thất bại, kẻ thù điên cuồng đàn áp, giết hại dã man các chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước. Ngày 25-3-1941, tòa án của chính quyền thực dân đã kết án tử hình hàng loạt cán bộ cốt cán của Đảng ta, trong đó có Hà Huy Tập. Ngày 28-8-1941, Hà Huy Tập cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng bị đưa ra pháp trường. Đồng chí đã ngã xuống dưới họng súng của quân thù ở tuổi 35, khép lại một cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy sôi động và cao đẹp với lời tuyên bố: "Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn tiếp tục hoạt động!".

 

68 năm sau ngày Hà Huy Tập và các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng bị thực dân Pháp xử tử hình, năm 2009, sau khi tìm thấy hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập, Ban chấp hành Trung ương Đảng và  Nhà nước ta đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và di dời hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập về an táng tại quê nhà Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). Tại buổi lễ, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, khẳng định: "Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí đã để lại cho chúng ta bài học vô cùng quý giá về lý tưởng cộng sản, về tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, về ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng...".

 

Vũ Trung Kiên

 

 

 

Tin xem nhiều