Ngày 29-4, Tháp biểu trưng Chiến khu Đ (CKĐ) sẽ chính thức được khởi công nhân kỷ niệm 65 năm thành lập CKĐ, 50 năm thành lập Trung ương Cục miền Nam và 36 năm thống nhất đất nước. Đây là một công trình mà từ ý tưởng xây dựng, quá trình thiết kế cho đến thời điểm khởi công đều mang rất nhiều ý nghĩa và tâm sức.
Ngày 29-4, Tháp biểu trưng Chiến khu Đ (CKĐ) sẽ chính thức được khởi công nhân kỷ niệm 65 năm thành lập CKĐ, 50 năm thành lập Trung ương Cục miền Nam và 36 năm thống nhất đất nước. Đây là một công trình mà từ ý tưởng xây dựng, quá trình thiết kế cho đến thời điểm khởi công đều mang rất nhiều ý nghĩa và tâm sức.
* Từ ý tưởng đến hiện thực
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, khoảng năm 2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII đã có ý tưởng xây dựng một công trình lớn mang tính giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại CKĐ - một địa danh lịch sử gắn liền với công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của quân dân miền Đông Nam bộ. Ban đầu, một số ý kiến tham mưu đề xuất xây dựng cụm tượng đài bằng đá hoa cương thật hoành tráng. Nhưng từ gợi ý của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những lần về thăm lại chiến khu xưa là nên phát triển vùng CKĐ và huyện Vĩnh Cửu thành điểm đến của loại hình du lịch sinh thái - lịch sử và văn hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thông qua phương án xây dựng Tháp biểu trưng CKĐ để vừa thể hiện tinh thần "Miền Đông gian lao mà anh dũng", mang tính giáo dục truyền thống vừa có công năng phục vụ, đáp ứng nhu cầu khách đến tham quan du lịch.
Hàng chục công ty thiết kế trong nước đã tham gia thiết kế. Đến tháng 12-2009, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất chọn phác thảo Tháp biểu trưng với hình tượng cách điệu từ hình dạng trái dầu ba cánh - một loài thực vật có sức sống mãnh liệt đặc trưng của rừng miền Đông Nam bộ.
Theo đề án thiết kế tổng thể, công trình tháp biểu trưng nằm trên khu vực quảng trường Trung tâm sinh thái - văn hóa - lịch sử CKĐ, có độ cao lên đến 120m và được chia thành 3 phần. Phần chân đế mang hình dáng của trái dầu, cao 4 tầng với diện tích xây dựng mỗi tầng khoảng 2.200m2, được sử dụng làm phòng truyền thống, phòng chiếu phim, nơi trưng bày, triển lãm và các phòng làm việc. Ông Trần Quang Toại, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết, để đưa vào sử dụng hiệu quả khu vực này, hiện Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Nhà bảo tàng Đồng Nai đang phối hợp hoàn thành kho dữ liệu rất đồ sộ, công phu. Với kho dữ liệu này, khách tham quan sẽ được giới thiệu về hệ sinh thái động thực vật, văn hóa - lịch sử vô cùng đa dạng, phong phú của miền Đông
Phần thân tháp là lõi thang máy và thang thoát hiểm, đưa du khách lên khu vực vọng cảnh phía trên. Quanh thân tháp là 3 cánh của trái dầu tạo nét mềm mại uyển chuyển tăng thêm tính thẩm mỹ của tháp. Khu vực vọng cảnh cũng được bố trí thành 2 tầng, được thiết kế bằng kính chịu lực, có công năng là khu nhà hàng, dịch vụ. Đứng từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm toàn cảnh khu vực CKĐ hùng vĩ, ngắm được cả hồ Trị An mênh mông ở phía xa.
Không chỉ bảo đảm tính mỹ thuật, tiện ích trong thiết kế, Tháp biểu trưng còn được chú ý tạo sự hài hòa với cảnh quan xung quanh. Cạnh tháp có một hồ sen rất lớn, là một nhánh của hồ Bà Hào và thông ra hồ Trị An. Mặt hồ sẽ như tấm gương phản chiếu và tăng vẻ mỹ quan cho tổng thể công trình. Xung quanh tháp sẽ là những công trình văn hóa, như khu trưng bày những kỷ vật kháng chiến của các tỉnh miền Đông
* Công trình mang nhiều ý nghĩa nhân văn
Đánh giá về công trình Tháp biểu trưng CKĐ, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành cho rằng việc đầu tư xây dựng là hết sức cần thiết. Với hình thái kiến trúc độc nhất vô nhị chưa nơi nào có, phù hợp với yếu tố sinh thái của rừng miền Đông, tháp sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng, là "trái tim" của vùng CKĐ và là biểu tượng đặc trưng mang đậm sắc thái của Đồng Nai.
Tháp biểu trưng Chiến khu Đ là công trình do UBND tỉnh phê duyệt và đầu tư, giao cho Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty thiết kế xây dựng và phát triển Sài Gòn. Dự kiến thời gian thi công là 3 năm. |
Nằm ngay trong vùng CKĐ, tự thân tháp đã là một bảo tàng sống động về tinh thần đấu tranh anh dũng của quân dân miền Đông, đồng thời là một dấu ấn đầy ấn tượng về sự năng động - sáng tạo trong quá trình xây dựng - đổi mới và phát triển của tỉnh nhà, tính giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ vì thế càng sinh động, khắc nét hơn. Bên cạnh đó, hiệu quả tác động tích cực từ công trình đến sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua du lịch là rất khả quan. Khi hình thành và đi vào hoạt động, Tháp biểu trưng cùng với hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa trong khu vực như Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Khu ủy miền Đông, địa đạo CKĐ, làng dân tộc Chơro, hồ Trị An... sẽ là điểm đến hấp dẫn không thể thiếu của khách du lịch, góp phần đẩy mạnh ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh và góp phần nâng cao đời sống người dân vùng chiến khu xưa...
Thanh Thúy