Hàng năm, cứ đến ngày 10-3 âm lịch, nhiều người dân ở Biên Hòa lại tất bật chuẩn bị cho lễ Giỗ Tổ tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (khu phố 3, phường Bình Đa) với lòng thành kính và tri ân tổ tiên.
Hàng năm, cứ đến ngày 10-3 âm lịch, nhiều người dân ở Biên Hòa lại tất bật chuẩn bị cho lễ Giỗ Tổ tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (khu phố 3, phường Bình Đa) với lòng thành kính và tri ân tổ tiên.
* Những người lập đền thờ Hùng Vương cách đây 43 năm
Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở Bình Đa được xây dựng từ năm 1968 và tới năm 1971 chính thức khánh thành. Đền do 14 vị trưởng lão xã Tam Hiệp vận động nhân dân trong vùng đóng góp lập ra. Ngoài việc thờ vọng Quốc Tổ Hùng Vương, đền còn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trưởng lão có công khởi dựng đền. Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương là niềm tự hào của người dân phường Bình Đa nói riêng và người dân Biên Hòa nói chung.
Trong những ngày cận kề lễ Giỗ Tổ, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Minh (54 tuổi, ở khu phố 1, phường Bình Đa), hiện là Trưởng ban quý tế Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Ông Minh kể lại: "Cha tôi là Nguyễn Đức Mão vốn là một trong số 14 vị trưởng lão có công lập Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương vào năm 1968. Khi đó, tôi mới 11 tuổi và thường theo cha ra xem quá trình xây dựng đền".
Đến nay, ông Minh vẫn còn giữ lại được một bức ảnh trắng đen, chụp vào ngày khánh thành Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương năm 1971. Khi đó, ông Minh mới 13 tuổi, đứng chắp tay xem các vị trưởng lão trong Ban quý tế hành lễ. "Đối với tôi, đây là một kỷ vật vô giá. Qua đó tôi có thể giáo dục truyền thống cho con cháu" - ông Minh tự hào.
Theo ông Minh, trong số 14 vị trưởng lão ấy, có vài vị quê ở Phú Thọ, còn lại là dân tứ xứ. "Hồi đó, người dân bảo nhau, người góp gạch, kẻ góp gỗ và vận động tiền mua tôn về lợp mái đền. Khi đó, nhà nào nghèo quá, không có tiền thì lại góp ngày công lao động..." - ông Minh cho biết.
Sau 43 năm lập đền, giờ đây chỉ còn 2 vị còn sống là cụ Phạm Gia Sướng (90 tuổi, ở phường An Bình) và cụ Phạm Mạnh Hà (tuổi 74, ở phường Tam Hiệp). Cụ Phạm Mạnh Hà kể lại: "Năm 1971, việc xây đền cơ bản được hoàn thành, kiến trúc đơn giản gồm 5 gian và hậu cung. Ngày mới hoàn thành, đồ thờ trong đền còn ít và sơ sài nhưng ban quý tế vẫn quyết định khánh thành vào đúng ngày Giỗ Tổ năm Tân Hợi".
"Đến năm 1993, Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương được tu sửa lại lần đầu tiên, với việc đổ mái bê-tông, xây rộng hàng hiên phía trước và sân đình. Tại đền hiện có thờ phiên bản trống đồng, đất và nước do Ban quý tế của đền hành hương rước từ Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) năm 2003" - cụ Mạnh Hà cho biết.
Những năm qua, UBND tỉnh và TP.Biên Hòa đã có những quan tâm tích cực, hỗ trợ Ban trị sự Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tổ chức lễ Giỗ hàng năm.
* Nhớ ngày Giỗ Tổ...
Theo ông Minh, đền được mở cửa mỗi năm 3 lần, vào các ngày Giỗ tổ Hùng Vương, ngày sinh nhật Bác (19-5) và tất niên (20 tháng Chạp). Việc tổ chức và tiến hành các nghi thức tế lễ trong ngày Giỗ Tổ do Ban quý tế đảm nhiệm. Ban quý tế sẽ chọn ra một vị cao niên, đức độ, uy tín trong vùng để mặc lễ phục cung kính dâng hương, trà, rượu kèm theo nhạc lễ lên các vua Hùng...
Ông Đinh Văn Hy, người sống ở khu phố 3, cho biết: Trước ngày Giỗ Tổ vài hôm, Ban quý tế ra mở cửa đền để người dân sống gần đó vào quét dọn, lau bàn thờ, dựng lều bạt đón khách đến dâng lễ. "Ai nấy đều rất nhiệt tình, coi việc của đền cũng như việc của gia đình mình. Đến ngày chính giỗ thì bà con mang đến nhiều lễ vật để dâng lên vua Hùng. Sau khi tế lễ xong thì mang ra đãi khách thập phương đến dự lễ cùng hưởng lộc" - ông Hy nói. Bà Phạm Thị Thái, cũng ở khu phố 3, cho biết thêm: "Năm nào tôi cũng ra đền cùng với mấy vị trong Ban quý tế chuẩn bị têm trầu mời khách. Ngày chính giỗ, con cái tôi ra đền dâng hương lên tổ tiên và Bác Hồ, rồi về nhà họp mặt để nhớ về tổ tiên của mình".
Ông Nguyễn Văn Minh bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn đền sẽ được đầu tư và mở rộng khuôn viên để nhiều người dân biết ở Biên Hòa có một ngôi đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, được thành lập ngay từ những năm tháng chiến tranh ác liệt. Đây cũng là một điểm đến có ý nghĩa trong việc giáo dục mọi người, nhất là thế hệ trẻ hướng về nguồn cội...".
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng dân gian trong một cuộc phỏng vấn báo chí mới đây đã nhấn mạnh: "Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở Biên Hòa ra đời tuy muộn nhưng sớm trở thành trung tâm văn hóa tâm linh của khu vực Tam Hiệp, Bình Đa, Tân Mai...".
Đặng Công