Chỉ cần có thông báo địa điểm hiến máu tình nguyện là các y, bác sĩ, kỹ thuật viên của khoa huyết học - truyền máu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai lại lên đường. Chiếc xe chuyên dụng dành cho công tác này không biết bao lần leo đèo, vượt dốc đưa đoàn đến với những người có tấm lòng thiện nguyện ở các địa phương trong tỉnh...
Chỉ cần có thông báo địa điểm hiến máu tình nguyện là các y, bác sĩ, kỹ thuật viên của khoa huyết học - truyền máu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai lại lên đường. Chiếc xe chuyên dụng dành cho công tác này không biết bao lần leo đèo, vượt dốc đưa đoàn đến với những người có tấm lòng thiện nguyện ở các địa phương trong tỉnh...
* Gian nan không nản
Đã thành thông lệ, nếu đi các huyện xa thì 5 giờ sáng, chiếc xe chuyên dụng hiến máu nhân đạo bắt đầu lăn bánh. Xe không đợi người, ai đi trễ phải tìm cách đuổi theo đoàn. Sở dĩ "lệ làng" này ra đời là vì đoàn công tác phải có mặt sớm, tuyệt đối không để người đi hiến máu phải chờ đợi. Và, suốt trong những năm qua, nguyên tắc này đã được các y bác sĩ nghiêm túc thực hiện.
Kiểm tra chất lượng máu tại khoa huyết học và truyền máu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trước khi truyền cho bệnh nhân. Ảnh: HÀ CHÂU |
Đến địa điểm lấy máu, mỗi người lại một việc: soạn y dụng cụ; mở ghế bố; thay tấm drap trắng; bắt tay vào khám, đo huyết áp, thử máu và lấy máu... Vì khoa thiếu nhân lực nên hầu như 15 cán bộ, nhân viên trong khoa đều xoay tua đi lấy máu. Đi nhiều đến nỗi không ai có thể nhớ số lần mình đã tham gia. Vì người đi hiến máu phải nhịn ăn hoặc chỉ được ăn uống nhẹ để hiến máu nên cán bộ y tế không thể để mọi người chờ đợi quá lâu. Cũng vì vậy mà cả nhóm thường phải lấy máu liên tục, có khi đến tận 1, 2 giờ chiều mới xong. "Có lần riêng mình tôi đã phải lấy máu cho vài chục ca. Lấy máu xong, cánh tay tê cứng" - kỹ thuật viên Trung Tín chia sẻ.
Còn với kỹ thuật viên Ngô Việt Hà, người có 7 năm công tác tại khoa, thì: "Đêm trước hôm đi xuống huyện lấy máu, tôi chuẩn bị sẵn đầy đủ đồ ăn cho cả 3 cha con. Những ngày đi lấy máu nhân đạo, mọi việc đưa đón con đi học, cho con ăn uống, tôi đều phải nhờ chồng". Thế mà bao năm nay, chị vẫn sắp xếp thời gian và tham gia vào những buổi đi tiếp nhận máu hiến.
Trong qua trình đi tiếp nhận máu, cũng có những sự cố bất ngờ xảy ra làm cả đoàn phải dở khóc, dở cười. Như có lần tủ lạnh bị hư, không đủ lạnh để bảo quản máu, cả đoàn phải chia nhau đi mua đá lạnh để ướp, gắng hết sức giữ cho những bịch máu còn nguyên chất lượng. Đó là chưa kể, khi trở về tới Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, các thành viên trong đoàn lại phân công nhau tiếp tục hành trình hơn một giờ đồng hồ để "hộ tống" những túi máu đến Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) bảo quản, xử lý.
* Niềm vui trong mỗi chuyến đi
Mệt nhưng rất vui là cảm nhận của những cán bộ tham gia đi lấy máu tình nguyện của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Bác sĩ Võ Dao Chi, Trưởng khoa huyết học và truyền máu, là người gắn bó với khoa ngay từ ngày thành lập. Đến giờ, chị vẫn gắn bó với khoa, với những chuyến đi lấy máu và những ca hội chẩn. Chị từng đi lấy máu và trực tiếp cầm tay chỉ việc những nhân viên trẻ mới vào nghề từ cách lấy ven, lấy máu để an toàn, đảm bảo kỹ thuật, tạo sự yên tâm nơi người tình nguyện hiến.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hòa, khoa vật lý trị liệu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là người có gần 10 lần là thành viên đoàn đi lấy máu tình nguyện, kể: "Với trọng trách kiểm tra sức khỏe của người tình nguyện trước khi bắt đầu hiến máu mà đôi khi chính mình rơi vào tình huống khó xử: những người tình nguyện đăng ký hiến máu nhưng không đủ điều kiện, bác sĩ mời ra thì họ cứ chần chừ, năn nỉ để được hiến máu".
Kỹ thuật viên Ngô Việt Hà cũng không giấu được sự xúc động khi nhớ lại câu chuyện về một sinh viên của Trường đại học Đồng Nai vốn bị bệnh tim nhưng cố tình giấu, để mong nhận được cái gật đầu đồng ý đủ điều kiện hiến máu của bác sĩ. Chị cũng nhớ những cái nắm tay thật chặt của người dân khi nhận ra chị là người quen đã nhiều lần đi lấy máu. Chị càng nhớ những căn nhà trống tuềnh toàng mà tấm lòng của người dân lại vô cùng rộng mở khi chân tình mời bác sĩ vào chơi, nghỉ tay ăn những trái chôm chôm, xoài, mít cho đỡ mệt trong những ngày đi lấy máu nhân đạo ở các huyện vùng xa.
Mọi mệt nhọc, vất vả của mỗi thành viên đoàn đi lấy máu lại nhanh chóng qua đi trước những câu chuyện cảm động của người dân tham gia hiến máu. Góp nhặt, ngưỡng mộ, khâm phục trước những câu chuyện ấy, các anh, các chị lại kể cho nhau nghe râm ran trên mỗi chuyến xe. Và dường như đó là động lực động viên các cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục gắn bó với công tác này, góp phần vào việc cứu sống những người mắc bệnh hiểm nghèo, những ca cấp cứu rất cần được truyền máu...
Bích Hường