Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiến sĩ Charles Bailey: Người góp phần xoa dịu nỗi đau da cam

09:04, 14/04/2011

Ngày 1-5 tới đây, Tiến sĩ Charles Bailey, Giám đốc sáng kiến đặc biệt về chất độc dacam/dioxin của Quỹ Ford, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tại Việt Nam sẽ chính thức nghỉ hưu. Sau 13 năm làm việc, Charles đã chung tay xoa dịu nỗi đau mang tên da cam/dioxin cho hàng ngàn nạn nhân Việt Nam.

Tiến sĩ Charles Bailey.

Ngày 1-5 tới đây, Tiến sĩ Charles Bailey, Giám đốc sáng kiến đặc biệt về chất độc dacam/dioxin của Quỹ Ford, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tại Việt Nam sẽ chính thức nghỉ hưu. Sau 13 năm làm việc, Charles đã chung tay xoa dịu nỗi đau mang tên da cam/dioxin cho hàng ngàn nạn nhân Việt Nam.

 

* Người tìm tiếng nói cho hai dân tộc

 

Trước ngày Nhóm đối thoại Việt - Mỹ thuộc Ủy ban đối ngoại của Quốc hội tổ chức hội thảo về vấn đề chất độc da cam/dioxin tại TP.Biên Hòa (ngày 8-4), Tiến sĩ Charles đã kịp có mặt sau một chuyến bay dài xuất phát từ New York (Mỹ). Ông cho biết: "Theo kế hoạch, tôi sẽ dự cả 2 hoạt động của Nhóm đối thoại Việt - Mỹ, đó là đêm ca nhạc "Vì tương lai tươi sáng" tại Nhà hát Hòa Bình (TP.Hồ Chí Minh) tối 7-4, tiếp đó là hội thảo về chất độc da cam/dioxin tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai) ngay buổi sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, do người anh trai của tôi đột ngột qua đời, tôi phải lo đám tang cho ông ấy và chỉ kịp dự buổi hội thảo này". 

 

Tiến sĩ Charles làm việc cho Quỹ Ford tại Việt Nam từ năm 1997. Ông là một trong những người đầu tiên đã đưa vấn đề chất độc da cam/dioxin từ Việt Nam trở về với chính giới Mỹ, khi mà vấn đề này còn đang rất nhạy cảm, đồng thời cũng là một ký ức đau buồn và tồi tệ đối với nước Mỹ trong quá khứ. Quỹ Ford mà đặc biệt là cá nhân Tiến sĩ Charles đã thể hiện một vai trò đặc biệt trong những tác động để việc giải quyết vấn đề dioxin đang được xúc tiến trong thời gian qua. Từ năm 1997 đến nay, Tiến sĩ Charles nhiều lần đi lại từ Mỹ qua Việt Nam để tìm tiếng nói chung cho vấn đề giải quyết hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Charles đã qua nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam để tìm hiểu về hoạt động của các trung tâm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

 

Trong buổi hội thảo của Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin được tổ chức tại Khách sạn Đồng Nai (TP.Biên Hòa, ngày 8-4), Charles nói: "Việt Nam có 3 điểm nóng "hot post" về chất độc da cam/dioxin, đều là những sân bay quân sự mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam vào thập niên 60 của thế kỷ trước, đó là sân bay Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định) và sân bay Biên Hòa. Tại sân bay Đà Nẵng, vấn đề này đã được khắc phục về cơ bản, và tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này đối với sân bay Biên Hòa. Quỹ Ford và cá nhân tôi sẽ phối hợp với Hội Y tế cộng đồng để tuyên truyền cho những người dân sống gần sân bay Biên Hòa sử dụng các nguồn thực phẩm an toàn, hạn chế được sự phơi nhiễm dioxin trong quá trình sinh sống của họ".

 

* Nghỉ hưu không có nghĩa là kết thúc

 

Theo Tiến sĩ Charles, vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam đã không còn là điều nhạy cảm nữa, mà nó đã thành một vấn đề của lịch sử để lại. Điều quan trọng nhất là người dân Việt Nam cũng như người dân Mỹ đang dần gác lại những vấn đề trong quá khứ đau buồn của cả hai dân tộc để hướng tới tương lai tươi sáng hơn. Chính phủ Mỹ đang có nhiều động thái tích cực nhằm hỗ trợ Việt Nam khắc phục những hậu quả mà Mỹ đã gây ra trong chiến tranh một cách thiện chí. Tiến sĩ Charles đã ví: "Trước đây quan điểm của hai nước Việt - Mỹ giống như hai người đi trên một cây cầu dài, 2 người ở hai bên cầu lúc đầu không nhìn thấy nhau và càng đi thì họ lại càng đến gần với nhau hơn".

 

Sau 13 năm làm việc tại Việt Nam với vai trò là giám đốc sáng kiến đặc biệt về chất độc da cam/dioxin đã cho Tiến sĩ Charles một cảm nhận về một đất nước Việt Nam anh hùng trong chiến tranh, giàu lòng vị tha và đầy tình mến khách. Ông cảm thấy vui vì đã được làm việc với rất nhiều trí thức tài giỏi và đầy tâm huyết với các nạn nhân da cam/dioxin, như 2 chuyên gia đầu ngành của Việt Nam về đánh giá ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin đối với người dân và môi trường, đó là giáo sư Võ Quý (Đại học Quốc gia Hà Nội) và bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TP.Hồ Chí Minh), đồng thời cũng là 2 thành viên tích cực của Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin.

 

Tiến sĩ Charles Bailey giúp một em nhỏ tập vật lý trị liệu tại Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật Đồng Nai (chiều 8-4).               

Vào ngày 1-5 tới, Tiến sĩ Charles sẽ nghỉ hưu, nhưng ông cho biết, sứ mệnh của ông sẽ không hẳn kết thúc sau ngày đó. "Tôi sẽ tiếp tục cùng với Nhóm đối thoại Việt - Mỹ như: ông Bùi Quang Xuân (Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội), Giáo sư Võ Quý, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Hội Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam... tiếp tục xúc tiến để tìm kiếm các nguồn tài chính, biện pháp kỹ thuật để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng nhưng mang tính cấp bách về chất độc da cam/dioxin tại các sân bay quân sự, trong đó có sân bay Biên Hòa" - Tiến sĩ Charles nói.

 

Nhìn lại quá trình 13 năm làm việc cho Quỹ toàn cầu Ford tại Việt Nam, Tiến sĩ Charles cảm thấy vui mừng mỗi khi đọc được những dòng chữ "Cảm ơn sự tài trợ và giúp đỡ của Quỹ Ford và cá nhân Tiến sĩ Charles Bailey" ở những nơi mà Quỹ Ford hỗ trợ các nạn nhân da cam/dioxin.

Tiến sĩ Charles Bailey cho biết thêm: Trong 10 năm tới, Quỹ Ford và Nhóm đối thoại Việt - Mỹ sẽ có nhiệm vụ huy động khoảng 300 triệu USD để tẩy rửa chất độc dioxin tại các sân bay, đặc biệt là sân bay Biên Hòa, phần còn lại sẽ chi cho các hoạt động trợ giúp về mặt y tế cộng đồng, phát triển kinh tế để nâng cao mức sống của các nạn nhân.

 

Có mặt sau khi tham dự buổi hội thảo của Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin tại TP.Biên Hòa, dù bận rộn với công việc đang đợi mình tại Hà Nội, nhưng Tiến sĩ Charles vẫn dành thời gian để đến thăm sân bay Biên Hòa, nơi mà có những điểm nồng độ ô nhiễm chất độc da cam/dioxin gấp hàng ngàn lần cho phép. Tiếp đó, ông đã dành thời gian đến thăm những đứa trẻ là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật Đồng Nai (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội). Tại đây, Tiến sĩ Charles đã tỏ ra xúc động khi nhìn thấy những em nhỏ bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin từ cha mẹ chúng, và chúng đang phải tiếp tục sống cuộc đời thực vật suốt cả cuộc đời, chứng kiến những tấm lòng của cán bộ, nhân viên nơi đây đang ngày đêm hết lòng chăm sóc các em nhỏ này. Tiến sĩ Charles nói: Vấn đề là chúng ta phải hạn chế sự ra đời của những trẻ sơ sinh bị dị tật do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Một trong những biện pháp mà chúng ta cần làm là tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho những ông bố, bà mẹ không may bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; cần có một trung tâm khám xác định tình trạng thai nhi để tránh cho những em bé sinh ra phải chịu một cuộc sống thực vật.   

 

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều