Vào cuối năm 2001 - năm đầu tiên thực hiện chương trình Xây dựng gia đình văn hóa, toàn tỉnh có 247.931 hộ được công nhận đạt chuẩn Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 61,5%. Trong vòng 10 năm sau, đến năm 2010, tỷ lệ này đã tăng lên đến 94%.
Vào cuối năm 2001 - năm đầu tiên thực hiện chương trình Xây dựng gia đình văn hóa, toàn tỉnh có 247.931 hộ được công nhận đạt chuẩn Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 61,5%. Trong vòng 10 năm sau, đến năm 2010, tỷ lệ này đã tăng lên đến 94%.
Không chỉ tăng về số lượng, phong trào Xây dựng gia đình văn hóa còn ngày càng được nâng cao về chất lượng. Một trong những hoạt động tạo hiểu quả cao của phong trào là xây dựng mô hình Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Hiện toàn tỉnh có 230 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững với 6.611 thành viên, hoạt động với nhiều hình thức phong phú nhằm giúp nhau làm kinh tế, hỗ trợ thoát nghèo hướng tới khá giả. Các câu lạc bộ đã thành lập quỹ tương trợ giúp nhau làm ăn với tổng thu lũy tiến trên 297 triệu đồng, xây dựng các quỹ khuyến học, quỹ bảo thọ... Mỗi năm, toàn tỉnh có 20-25% gia đình nghèo được xóa nhà tạm. Đến năm 2010 số hộ gia đình có nhà ổn định đạt gần 100%. Nhiều gia đình đã trở thành gương sáng trong cộng đồng về tinh thần phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt, đóng góp tích cực cho các phong trào của cộng đồng, như: gia đình ông Phạm Văn Ngữ, Nguyễn Văn Hưng (huyện Thống Nhất), Thổ Bộng, Võ Văn Sang, Nguyễn Xuân Quang (huyện Xuân Lộc), Nguyễn Văn Có, Đặng Xuân Thị, Bùi Thị Dung (huyện Vĩnh Cửu), Hồ Ngọc Ba, Nguyễn Khắc Hòa (huyện Long Thành), Thổ Đực (TX. Long Khánh), Nguyễn Đình Điền, Hà Văn Bình (TP. Biên Hòa)... Năm 2007, 12 gia đình có thành tích nổi bật đã được đại diện cho 57 gia đình tiêu biểu của tỉnh tham dự Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa xuất sắc tại thủ đô Hà Nội.
Trong 10 năm thực hiện phong trào Xây dựng gia đình văn hóa, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, không chỉ thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia mà còn tạo sự hứng thú và đảm bảo tính minh bạch, công bằng. Như ở xã Gia Tân (huyện Thống Nhất) từ năm 2005-2006 đã có sáng kiến cắm cờ xanh, cờ đỏ, cờ vàng để theo dõi tiến độ phấn đấu đạt chuẩn cho các hộ đăng ký gia đình văn hóa. Huyện Thống Nhất cũng là địa phương đầu tiên tổ chức bình xét Gia đình văn hóa bằng hình thức các tổ dân cư tham gia bỏ phiếu kín, kết quả được công bố trên đài truyền thanh của xã từ 3-5 ngày trước khi được Chủ tịch UBND xã ban hành quyết định công nhận. Đến nay, các mô hình này không chỉ được duy trì mà còn nhân rộng, triển khai đến nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Bà Lưu Thị Phượng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Chủ nhiệm chương trình xây dựng gia đình văn hóa của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cho biết, phương hướng trong thời gian tới chương trình sẽ tập trung giữ vững chỉ tiêu 94% gia đình được công nhận đạt chuẩn Gia đình văn hóa, hướng đến nâng cao chất lượng hơn nữa. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ nhắm đến các đối tượng là các hộ gia đình công nhân tại các khu nhà trọ. Hiện các mô hình chăm sóc cho đối tượng này còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, con em của các đối tượng này cũng chưa được hưởng đầy đủ quyền trẻ em. Đây là đối tượng cần được quan tâm và xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp.