Báo Đồng Nai điện tử
En

70 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15-5-1941 - 15-5-2011)
Trên quê hương anh Kim Đồng
Kỳ 1: Người đội trưởng dũng cảm

08:05, 08/05/2011

Cách đây đúng 70 năm, vào ngày 15-5-1941 tại làng Nà Mạ (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Đội Nhi đồng cứu quốc - tổ chức tiền thân của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay đã được thành lập. Người đội viên đầu tiên và cũng là đội trưởng là Nông Văn Dền, một thiếu niên người dân tộc Nùng với bí danh hoạt động là Kim Đồng.

Cách đây đúng 70 năm, vào ngày 15-5-1941 tại làng Nà Mạ (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Đội Nhi đồng cứu quốc - tổ chức tiền thân của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay đã được thành lập. Người đội viên đầu tiên và cũng là đội trưởng là Nông Văn Dền, một thiếu niên người dân tộc Nùng với bí danh hoạt động là Kim Đồng.

 

* Những kỷ niệm không quên

 

Làng Nà Mạ nằm ngay ven đường nhựa, dựa lưng vào núi Tèo Lài. Theo tiếng Nùng, Tèo Lài có nghĩa là con đường có hoa văn. Nhìn từ xa, những thửa ruộng dưới chân núi của làng Nà Mạ đã vẽ nên nét ngoằn nghoèo uốn lượn, quả giống như những đường hoa văn trang trí vừa đẹp vừa lạ mắt.

 

Mộ anh Kim Đồng ở khe đá chân núi Tèo Lài. Ảnh: T.THÚY

Trong lần về làng Nà Mạ vào đầu năm 2011, chúng tôi may mắn được gặp bà Nông Thị Hộ, 82 tuổi, là em con chú bác với Kim Đồng. Bà Hộ cho biết, nhà bà và nhà anh Dền ở cạnh nhau. Hai người cùng một tuổi nhưng bà không may mới sinh ra đã bị tật, hai bàn chân đều bị mọc lật không đi đứng được, chỉ bò hoặc lết. Anh Dền rất thương, có cái gì cũng mang sang cho bà. Hồi đó, lính Pháp hay đến các bản làng bắt dân đi làm phu ở đồn Sóc Giang (cách Nà Mạ khoảng 10 km), cha của anh Dền là ông Nông Văn Ỷ cũng bị mất tích trong một lần đi phu. Sau này khi lính đến bắt phu, đàn ông trai tráng đều trốn biệt vào núi, bọn chúng bèn xoay qua bắt trẻ con đem về đồn để buộc người lớn phải đi phu, nên trẻ con cũng phải trốn vào các hang ở trong núi. Cha mất sớm, bản thân không đi lại được nên mỗi lần lính về bắt phu, bà Hộ sợ lắm nhưng chỉ biết ngồi khóc. Mỗi lúc như thế, anh Dền đến tận nhà cõng bà vào núi. Sau này, anh Dền còn dạy bà đọc chữ.

 

"Không chỉ chăm sóc cho em, anh Dền còn hay giúp đỡ người già trong bản. Cha anh Lý Văn Kinh (còn gọi là Kinh Xình, là một cơ sở cách mạng mà Bác Hồ thường đến khi hoạt động ở Pắc Bó) bị bệnh thấp khớp không đi lại được, anh Kinh do hoạt động cách mạng thường hay vắng nhà, những lúc ấy Dền lại sang giúp ông lấy nước, gánh củi..." - bà Hộ nhớ lại.

 

Hồi đó ở Nà Mạ, phong trào cách mạng lên rất cao, hầu như cả bản đều tham gia hoạt động. Các hội phụ lão, phụ nữ, thanh niên cứu quốc đều có người trong bản tham gia. Riêng các đội viên trong đội của anh Dền thì ngoài việc phụ giúp việc nhà như chăn vịt, lấy củi, lấy cây dó (một loại nguyên liệu để làm giấy), đào củ mài trong núi còn làm giao liên đưa thư từ, sách báo, tài liệu tuyên truyền hoặc đưa đón cán bộ cách mạng. Với cương vị đội trưởng, Kim Đồng thường gánh vác công việc khó khăn cho các bạn, nhất là những chuyến đi trong đêm, đi xa đến tận các xã Đào Ngạn, Sóc Hà, Phù Ngọc. "Anh Dền đi suốt, có khi đi cả đêm, không sợ giá rét, thú dữ, không sợ cả bọn lính vẫn thường rình rập bắt người. Mỗi lần đi, anh thường xách theo chiếc cần câu, giỏ cá hoặc mang theo chiếc lồng chim trong có con sáo đá để ngụy trang, che mắt địch..." - bà Hộ kể.

 

* Người thiếu niên anh dũng

 

Dù đã 70 năm trôi qua, nhưng nhắc đến sự hy sinh anh dũng của anh Dền, đôi mắt mờ đục của bà Hộ lại ngân ngấn nước. Bà Hộ kể, đêm đó lúc mờ sáng mọi người nghe tiếng súng nổ dồn ở Phai Mục (một con mương nhỏ dẫn nước từ các nhánh của con suối Giàng - sau này được Bác Hồ đặt tên là suối Lê Nin, để lấy nước sinh hoạt, tưới ruộng, chăn thả gia súc cho bản Nà Mạ). Sáng hôm sau thì bà nghe tin anh Dền hy sinh ngay trên bờ ruộng, bên cạnh mương nước. Thương anh quá, cả nhà đều khóc, muốn ra tận nơi để nhìn mặt anh nhưng người lớn trong bản không cho. Người lớn bảo nếu biết đó là Kim Đồng thì bọn lính sẽ chặt đầu anh bêu ở chợ Sóc Giang ngay, nên đành phải bảo không biết con nhà ai đi lạc bị lính bắn nhầm. Đến chiều, chị gái cả của anh Dền là Nông Thị Nhằm cùng người trong bản mới đưa được thi thể anh về. Cả bản khóc thương Kim Đồng, mấy cụ lớn tuổi bàn nhau đưa anh lên chôn ở khe đá chân núi Tèo Lài. Khe đá này rất lạ, có một dãy đá tự nhiên trông như một bức bình phong để che mắt bọn địch, chúng đi ruồng phía ngoài cũng không biết bên trong có ngôi mộ của Kim Đồng.

 

Nơi anh nằm tựa lưng vào núi đá quê hương, nhìn xuống cánh đồng Nà Mạ xanh tươi. Từ lúc anh Dền nằm đấy, người trong bản thường xuyên ra thăm viếng. Đội Nhi đồng cứu quốc Nà Mạ cũng nhiều lần tổ chức họp ở nơi đó để tưởng nhớ và noi gương anh, người đội trưởng dũng cảm quên thân mình bảo vệ cách mạng. Còn bà Hộ, từ ngày khu di tích được xây dựng, bà đã dựng một căn chòi nhỏ ngay cổng và mỗi ngày đều đến để hương khói, chăm sóc phần mộ anh. "Chẳng biết cái ông làm tượng anh Dền lấy hình ở đâu, mà cái tượng giống y như anh hồi ấy. Anh Dền đẹp lắm, tốt bụng lắm, giỏi lắm. Bà tự hào được là em của anh Dền. Bà con Nà Mạ cũng tự hào vì có anh Dền" - bà Hộ rưng rưng nói.

Nhận thấy vị trí quan trọng của Nà Mạ, đồng chí Đức Thanh, Ủy viên Ban Việt Minh Châu Hà Quảng, phụ trách thanh niên cứu quốc đã tổ chức thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc Nà Mạ. Ban đầu Đội có 4 đội viên, gồm: Kim Đồng (Nông Văn Dền), Cao Sơn (Nông Văn Thàn), Thanh Thủy (Lý Thị Xạu) và Thủy Tiên (Lý Thị Nì). Lễ thành lập được tiến hành vào đêm 15-5-1941 tại Pò Đoi, đặt dấu mốc đầu tiên cho lịch sử xây dựng và phát triển của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

 

Ngày 14-2-1943, Kim Đồng sau khi đưa thư đến xã Đào Ngạn (cách Nà Mạ 10km), đưa một cán bộ cao cấp từ Đào Ngạn sang Pắc Bó (cách 15km) rồi quay trở về Nà Mạ. Về đến Phai Mục vào lúc gần sáng, anh phát hiện bọn lính đang phục bắt cán bộ cách mạng. Biết đêm ấy có cuộc họp quan trọng ở nhà anh Lý Văn Kinh tập trung nhiều cán bộ chủ chốt của Châu ủy Hà Quảng, Kim Đồng bảo Cao Sơn đến báo cho các đồng chí rút lên núi Tèo Lài, còn mình thì chạy hướng khác để đánh lạc hướng. Bọn địch phát hiện, bắn theo. Anh hy sinh vào lúc 5 giờ sáng 15-2-1943.

Thanh Thúy

 

 

 

Tin xem nhiều