Báo Đồng Nai điện tử
En

70 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15-5-1941 - 15-5-2011)
Trên quê hương anh Kim Đồng
Kỳ cuối: Mãi mãi tuổi 14

11:05, 09/05/2011

Hy sinh dũng cảm ở tuổi 14, tên anh từ đó đã thành bất tử. Hình ảnh người thiếu niên gan dạ, anh hùng, luôn yêu thương giúp đỡ mọi người đã trở thành tượng đài trong lòng bao thế hệ thiếu niên trong cả nước...

Hy sinh dũng cảm ở tuổi 14, tên anh từ đó đã thành bất tử. Hình ảnh người thiếu niên gan dạ, anh hùng, luôn yêu thương giúp đỡ mọi người đã trở thành tượng đài trong lòng bao thế hệ thiếu niên trong cả nước...

 

* Khu tưởng niệm 14 tuổi xanh

 

Đến làng Nà Mạ ngày nay, mọi người sẽ thấy Khu di tích Kim Đồng nằm phía bên trái, ngay dưới chân núi Tèo Lài xanh thẳm. Dịp chúng tôi đến, Nà Mạ đang trong mùa rét nhất của năm, nhưng vẫn tràn đầy sức sống với những ruộng mía, những đóa hoa trạng nguyên đỏ thắm hai bên vệ đường. Và xa xa, những bông hoa mận trắng điểm lấm tấm giữa núi rừng...

Khu di tích Kim Đồng ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: N.HÀ

Từ đường nhựa, men theo lối đi nhỏ được tráng bê tông phẳng phiu, qua chiếc cầu con cong là vào Khu di tích Kim Đồng. Toàn bộ khu di tích nhỏ gọn, nằm khiêm nhường ngay chân núi. Qua khỏi cổng là 14 bậc đá dẫn đến ngôi mộ và bức tượng anh Kim Đồng tươi trẻ, giản dị trong bộ quần áo dân tộc Nùng, đầu đội mũ nồi với khuôn mặt ngước lên trời, tay trái nâng cao con sáo đá. Chạy ngang 2 bên bức tượng Kim Đồng là 14 trụ bê tông đứng, dáng thanh thoát. Dọc theo 14 bậc đá là 14 phiến bê tông khối hộp chữ nhật đặt nghiêng, và 2 bên cổng ra vào, sát bờ rào có 14 cây bạch đàn sừng sững. Vì sao là những con số 14? Đơn giản bởi đó là số tuổi của anh hùng liệt sĩ Kim Đồng. Gần 70 năm đã trôi qua (anh hy sinh ngày 15-2-1943), nhưng người thiếu niên anh hùng ấy vẫn mãi mãi ở tuổi 14.

 

Khu di tích Kim Đồng được xây dựng vào năm 1986, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Bản thiết kế khu di tích và bức tượng Kim Đồng là tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Minh Tâm (Trường đại học kiến trúc Hà Nội). Cũng ngay trong khu di tích này, khuất sau một bức tường đá tự nhiên là ngôi mộ nơi anh Kim Đồng được mai táng đầu tiên sau khi hy sinh. Phía trên ngôi mộ là 2 cây nghiến cổ thụ xanh rì rủ bóng che, tương truyền rằng chúng được mọc lên ngay sau khi anh yên nghỉ tại nơi này. Xa về phía bên trái, là ngôi mộ của bà Lân Thị Hò, người mẹ yêu quý của Kim Đồng, cũng được xây rất giản dị. Nơi yên nghỉ của người anh hùng nhỏ tuổi ấy không có kỳ hoa dị thảo mà chỉ có những đóa hoa rừng, có núi rừng quê hương Nà Mạ xanh biếc, có dòng suối ngọt mát bắt nguồn từ dòng suối Lê Nin chảy về.

 

Mộ của liệt sĩ Kim Đồng, nhất là từ sau khi khu di tích được xây dựng, đã trở thành một trong những điểm về nguồn của nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong cả nước. Anh Đàm Văn Giang, lái xe tuyến Cao Bằng - Hà Quảng kể, cách đây hơn 40 năm khi anh học tiểu học ở Cao Bằng, hàng năm tỉnh đều tổ chức cho học sinh đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ được về thăm mộ anh Kim Đồng, thế là cả trường ai cũng cố gắng phấn đấu. Năm học lớp 5, anh Giang đạt danh hiệu, được theo đoàn về thăm Khu di tích Kim Đồng. Chuyến đi đó đã trở thành một kỷ niệm không thể phai mờ trong ký ức của anh. Cô sinh viên năm thứ ba Trường đại học sư phạm Hà Nội Đàm Thị Hương, quê ở làng Nà Mạ thì cho biết, từ lúc Hương còn nhỏ đến nay, các đội viên ở huyện Hà Quảng vẫn có truyền thống thay phiên nhau đến viếng và chăm sóc khu di tích này.

 

* Sống mãi trong lòng dân tộc

 

Gần 70 năm sau ngày anh Kim Đồng nằm xuống, Nà Mạ quê anh đã thay đổi rất nhiều. Trong 19 xã, thị trấn thuộc huyện Hà Quảng, Trường Hà từ lâu đã thoát khỏi danh sách xã nghèo, khó khăn. Tuy vẫn nằm dưới chân núi Tèo Lài, nhưng tất cả các nhà trong làng Nà Mạ đều có điện, nước kéo đến tận nơi, giao thông từ Nà Mạ đến các địa phương khác rất thuận lợi nhờ đường sá đều được nhựa hóa. Từ lợi thế đó, đời sống người dân trong làng đã vươn lên khá giả. Về Nà Mạ ngày nay không còn thấy ngôi nhà vách đất nào, mà toàn bộ đã được kiên cố hóa, thậm chí nhiều nhà còn xây 2, 3 tầng rất khang trang. Nà Mạ còn có ngôi trường tiểu học mang tên Kim Đồng. Nhiều con em của làng đã thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Theo chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, các em không chỉ được miễn toàn bộ học phí mà còn có trợ cấp để yên tâm đi học.

Một góc làng Nà Mạ hôm nay. Ảnh: N.HÀ

Bà Nông Thị Hộ (82 tuổi, em con chú bác với Kim Đồng) xúc động bày tỏ: "Giờ bà cũng như người dân Nà Mạ sống sướng lắm rồi, có cái ăn, cái mặc, không còn biết đói, biết rét như ngày xưa đâu. Trẻ con thì được học hành như lời anh Dền nói. Mỗi ngày bà ngồi bên mộ anh Dền, được gặp những người đến thăm anh, ai cũng yêu quý anh. Anh Dền sống mãi trong lòng mọi người, bà thấy ấm lòng lắm".

 

Đi bên cạnh chúng tôi, cô sinh viên Đàm Thị Hương liền khe khẽ đọc cho mọi người bài thơ thuộc lòng từ thuở nhỏ: "Anh Kim Đồng/ Làm liên lạc/ Mang thư mật/ Rất tài tình/ Đi một mình/ Trong rừng tối/ Khi lội suối/ Lúc trèo đèo/ Khó bao nhiêu/ Cũng làm nổi/ Dù no đói/ Vẫn gắng công/ Anh Kim Đồng/ Thật dũng cảm...".

 

Bà Hoàng Thị Khín, 79 tuổi, là em của bà Lý Thị Xạu (bí danh Thanh Thủy, một trong 4 đội viên đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc Nà Mạ) đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về đội. Khi anh Kim Đồng ngã xuống, Cao Sơn (Nông Văn Thàn) thay anh làm đội trưởng. Cả đội bảo nhau noi gương dũng cảm của anh, tiếp tục hoạt động phục vụ cách mạng. Những lớp thiếu nhi khác của Nà Mạ lại tiếp tục đứng vào hàng ngũ đội. Đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đội Nhi đồng cứu quốc Nà Mạ đã có mười mấy đội viên, sau này đều tham gia kháng chiến chống Pháp.

Với những chiến công, đóng góp của mình, Đội Nhi đồng cứu quốc Nà Mạ đã vang danh trong cả nước. Rất nhiều tổ chức, đoàn thể trong cả nước đã tìm đến những đội viên năm xưa để học tập, hoặc mời đi nói chuyện ở các đơn vị, địa phương khác để truyền thống "tuổi nhỏ chí lớn"của thiếu nhi cứu quốc mãi được tiếp nối.

Thanh Thúy

 

                       

 

 

Tin xem nhiều