Đang loay hoay chọn mua mấy cuốn sách ưng ý về văn hóa và ngôn ngữ trong một tiệm sách ở Biên Hòa, tôi bỗng nghe người mẹ la con và không cho cháu mua cuốn sách cầm trên tay - cuốn "Từ điển tiếng Việt".
Đang loay hoay chọn mua mấy cuốn sách ưng ý về văn hóa và ngôn ngữ trong một tiệm sách ở Biên Hòa, tôi bỗng nghe người mẹ la con và không cho cháu mua cuốn sách cầm trên tay - cuốn "Từ điển tiếng Việt".
Tôi hỏi cháu, cháu cho biết đang học lớp 7 ở một trường Trung học cơ sở trong thành phố Biên Hòa. Cháu còn cho biết cháu học rất giỏi môn toán nhưng cũng rất thích học văn. Cháu nói, trong lớp, các bạn viết sai chính tả rất nhiều và bản thân cháu nhiều khi cũng viết chính tả và dùng từ chưa được chuẩn xác. Vì vậy, cháu xin mẹ đi mua sách và cháu muốn mua cuốn từ điển tiếng Việt.
Tôi nói với mẹ cháu hãy để cháu mua cuốn sách đó vì giá tiền cũng không cao, vả lại đó là một cuốn sách công cụ hết sức cần thiết. Nể lời tôi, chị cho cháu mua cuốn sách đó nhưng tôi lại nghe chị nói với con rằng: "Mẹ tưởng con nói mua từ điển là mua từ điển tiếng Anh, chứ nếu biết con đòi mua từ điển tiếng Việt mẹ không cho đi nhà sách đâu. Mua từ điển tiếng Việt để làm gì"?!
Bất cứ một người nào có trình độ tương đối cũng đều hiểu rằng "ngôn ngữ là công cụ của tư duy". Những người có khả năng tư duy tốt chính là những người có vốn từ và vốn ngôn ngữ phong phú. Lịch sử cũng chứng minh rằng các nhà khoa học lớn phần đông là những người có vốn ngôn ngữ phong phú.
Tiếng Việt đã trở thành một tài sản tinh thần vô giá của dân tộc ta. Chẳng thế mà trong hàng ngàn năm sống dưới sự đô hộ của nước ngoài, bằng những thủ đoạn tàn độc nhất, kẻ thù luôn tìm mọi cách để đồng hóa dân ta, trong đó đứng đầu là ngôn ngữ. Thế nhưng, bằng tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc ta vẫn giữ, bổ sung và làm phong phú tiếng Việt giàu và đẹp hôm nay.
Thế nhưng, hiện nay, tiếng Việt đang bị xem nhẹ, mà người mẹ trẻ trên đây là một ví dụ. Chẳng thế mà dư luận, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp tú tài và đại học lại được đọc những bài viết với những cách dùng từ "khủng khiếp", rồi ngôn ngữ "chát", tiếng lóng đã làm "nghèo" tiếng Việt yêu quý của chúng ta. Không thiếu những ví dụ cười ra nước mắt khi báo chí đưa tin những bài viết của các học sinh kiểu như "nhà em có nuôi một ông nội".
Không quá để nói rằng, khi mà tiếng Việt còn bị đối xử như cách của người mẹ trẻ nêu trên thì tiếng Việt chắc chắn sẽ ngày càng mai một. Và, trách nhiệm này không của riêng ai.
Ngọc Anh