Báo Đồng Nai điện tử
En

Công tác từ thiện - xã hội của Phật giáo Đồng Nai:
Mở rộng tấm lòng giúp đỡ người gặp khó

09:05, 25/05/2011

Cụ Lê Thị Phởi, năm nay 84 tuổi, cái tuổi đáng lẽ được con cháu chăm sóc chu đáo nhưng với cụ, để duy trì được cuộc sống của những năm cuối đời, đã phải lăn lộn đi bán vé số từ sáng sớm cho tới khuya. Chứng kiến tình cảnh của cụ, cách đây hai tháng một người chạy xe ôm đã chở cụ vào Quan Âm Tu viện (TP.Biên Hòa).

Cụ Lê Thị Phởi, năm nay 84 tuổi, cái tuổi đáng lẽ được con cháu chăm sóc chu đáo nhưng với cụ, để duy trì được cuộc sống của những năm cuối đời, đã phải lăn lộn đi bán vé số từ sáng sớm cho tới khuya. Chứng kiến tình cảnh của cụ, cách đây hai tháng một người chạy xe ôm đã chở cụ vào Quan Âm Tu viện (TP.Biên Hòa).

 

Trường hợp thứ hai là cụ Phạm Thị Lực, năm nay 74 tuổi. Cụ thất lạc gia đình đã 34 năm và được đưa vào Quan Âm Tu viện hơn một năm. Cụ cho hay, cách đây hai tháng cụ bị thấp khớp, không đi được. Được sự luyện tập kiên trì của các sư cô, đến nay cụ đã dần dần đi được và hiện nhà chùa đang tiếp tục lo kinh phí để đưa cụ đi mổ mắt.

 

Sư cô Liễu Hương, một trong những sư cô phụ trách chăm sóc các cụ tại đây cho biết, cụ Phởi, cụ Lực chỉ là hai trong số 40 cụ đang được Quan Âm Tu viện nuôi dưỡng. Hầu hết các cụ đều đã già yếu, trong đó cụ cao tuổi nhất là 90. Đối với những cụ bị bệnh nặng, nằm một chỗ, nhà chùa cử mỗi sư cô chăm sóc một cụ và cùng ăn, cùng ngủ với các cụ.

 

Chăm sóc các cụ già tại Quan Âm Tu viện.Ảnh: P.HẰNG

Còn theo sư cô Lê Thị Bê, việc chăm sóc các cụ gặp rất nhiều khó khăn. Những lúc các cụ bị bệnh nặng, các sư phải thức trắng cả đêm. "Vất vả cực nhọc nhưng không sư cô nào nản chí và trong suy nghĩ luôn coi các cụ như cha mẹ của mình. Để các cụ ít nghĩ ngợi đến chuyện buồn của bản thân, các sư luôn động viên và chăm sóc các cụ một cách chu đáo" - sư cô Lê Thị Bê nhấn mạnh.

 

Ngoài việc chăm sóc các cụ già, Quan Âm Tu viện còn đang nuôi hai trường hợp nữ bị tâm thần phân liệt. Để duy trì sự ổn định sức khỏe cho các chị, ngày nào nhà chùa cũng phải cho các chị uống thuốc và khi đau ốm là đưa ngay đến bệnh viện.

 

Hòa thượng Thích Giác Quang, Chánh thư ký Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai cho biết, những năm qua Ban trị sự Phật giáo tỉnh luôn nhắc nhở các chùa, tăng ni, phật tử trong tỉnh mở rộng tấm lòng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, lầm lỡ vươn lên trong cuộc sống. Do vậy, công tác từ thiện - xã hội không chỉ được thực hiện duy nhất ở một chùa mà ở hầu hết các chùa trên địa bàn tỉnh. Ngoài Quan Âm Tu viện đang nuôi dưỡng người già, còn có chùa Thanh Long cũng đang nhận trợ giúp gạo, tiền hàng tháng cho 30 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các địa phương trong tỉnh. Chùa Già Lam Thiện Sanh thì vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, mở quán cơm xã hội để giúp đỡ bà con nghèo, những người có thu nhập thấp và người nhà đi nuôi bệnh nhân ở Bệnh viện tâm thần trung ương 2...

Tính từ năm 2005 đến nay, Ban Từ thiện - xã hội Phật giáo tỉnh đã vận động tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh đóng góp với số tiền 44 tỷ đồng, xây dựng gần 400 căn nhà tình thương...

 

Tăng ni, phật tử trong tỉnh còn nhiệt tình tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ qua việc thành lập các lớp học tình thương, tặng quà, tiền cho học sinh nghèo, xây dựng nhà tình thương, mổ mắt miễn phí cho người mù nghèo, ủng hộ đồng bào lũ lụt, thiên tai... Chỉ tính từ đầu năm đến nay, thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Từ thiện - xã hội của Phật giáo tỉnh đã vận động được 1.700 suất quà tặng bà con nghèo ăn Tết Tân Mão 2011 với trị giá hơn 400 triệu đồng; xây dựng được 4 căn nhà tình thương (15 triệu đồng/căn); ủng hộ 34 triệu đồng giúp nhân dân Nhật Bản khắc phục hậu quả do sóng thần và động đất...

 

Phương Hằng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều