Nhà Xuất bản tổng hợp TP.Hồ Chí Minh vừa ra mắt cuốn sách Nghe Thầy kể chuyện của tác giả - giáo sư Nguyễn Phan Quang. Đây là tập hợp những lời kể mà Giáo sư Nguyễn Phan Quang đã ghi âm lại trong các cuộc “hầu chuyện” với thầy Giàu...
Nhà Xuất bản tổng hợp TP.Hồ Chí Minh vừa ra mắt cuốn sách Nghe Thầy kể chuyện của tác giả - giáo sư Nguyễn Phan Quang. Đây là tập hợp những lời kể mà Giáo sư Nguyễn Phan Quang đã ghi âm lại trong các cuộc “hầu chuyện” với thầy Giàu. 87 trang của cuốn sách đã tái hiện cô đọng cuộc đời của một con người vĩ đại, một tên tuổi lớn của thời đại Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng lỗi lạc, một đảng viên kiên trung, bất khuất của Đảng, một nhân cách lớn, một tấm gương sáng ngời của một trí thức cộng sản trọn đời vì dân tộc, một tấm gương tận hiến cho đời - Giáo sư Trần Văn Giàu.
Bằng ngôn ngữ kể chuyện tâm tình, có những đoạn gần như tâm sự, nội dung cuốn sách tái hiện lại những chặng đường quan trọng trong cuộc đời Giáo sư Trần Văn Giàu từ khi còn là một cậu bé đến buổi đầu nhận thức về vai trò của người trí thức cho đến khi “tiêm nhiễm” chủ nghĩa cộng sản. Theo Giáo sư, lúc đầu, ý tưởng đi Pháp của ông là để “Học cho giỏi để lấy được mấy cái bằng tiến sĩ luật khoa và văn khoa... để không làm ông quan mà làm nhà báo... ra một tờ báo để bênh vực đồng bào mình”. Thế nhưng, không khí chính trị của thời cuộc đã làm ông “tiêm nhiễm” chủ nghĩa cộng sản ngay tại chính quốc - nước Pháp. Ông kể về quá trình, về con đường trở thành “thầy giáo đỏ”. Đặc biệt là những câu chuyện về vấn đề nghiên cứu, dạy và học lịch sử như thế nào. Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng ở trên đời không có sách nào, đạo lý nào có tác dụng xây dựng con người bằng sử: “Sử là sự biểu hiện để mình lựa chọn những điều hay dở, tốt xấu, nên chăng”. Trong các câu chuyện kể của mình, Giáo sư đặc biệt nhấn mạnh việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh bởi theo ông, “Tư tưởng Hồ Chí Minh khác với tư tưởng khác, phải tìm không chỉ trong sách vở, mà cả trong lời nói, hành động, ứng xử - cả trong sự nói mà không nói - viết mà không viết - thì mới nắm được tư tưởng toàn diện”. Giáo sư Trần Văn Giàu cũng khẳng định cách mạng Việt Nam gắn liền với sự nghiệp Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng Hồ Chí Minh: “Bây giờ chúng ta giống như là một chiếc thuyền giữa biển khơi có sóng gió lớn, tất cả các ngôi sao ở trên trời đều bị mờ, thì chỉ còn ngôi sao Hồ Chí Minh, cái địa bàn (la bàn) Hồ Chí Minh vững chắc cho chúng ta thôi. Nếu mà mình không nghiên cứu cái tư tưởng, cái đạo đức Hồ Chí Minh cho sâu sắc và ứng dụng nó cho sắc sảo, cho trung thành thì khó đạt hiệu quả cao, nhất là trong thực tế hiện nay. Cho nên ta đã đi từ Hồ Chí Minh thì ta phải tiếp tục trở lại và đi sâu hơn nữa vào tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”.
Phần phụ lục của tập sách có “Bản khai của giáo sư Trần Văn Giàu tại Nha mật thám Nam kỳ (tháng 5-1935)” ký tên Hồ Nam (một trong các bí danh của giáo sư Trần Văn Giàu) được viết sau khi bị bắt 25 ngày, do giáo sư Nguyễn Phan Quang sưu tầm được, qua đó có thể nhận thấy khí tiết của nhà cách mạng Trần Văn Giàu trước kẻ thù: “Không bao giờ! Tôi có suy nghĩ của tôi và tôi giữ nguyên suy nghĩ đó. Tôi tin ở học thuyết Mác- xít và tôi không bao giờ rời bỏ”.
Đây là một tập sách có giá trị nhiều mặt, nhất là đối với các nhà nghiên cứu, các nhà giáo, sinh viên và học sinh.
Ngọc Anh