Báo Đồng Nai điện tử
En

Đọc sách
"Chuyện đời tự kể"- những câu chuyện cảm động (*)

03:05, 20/05/2011

Đọc đến lần thứ ba tôi mới có thể viết lên những dòng này để giới thiệu về tác phẩm của một tác giả không chuyên, bởi chỉ 158 trang viết nhưng cuốn sách chứa đựng ngồn ngộn tư liệu cùng những câu chuyện tình người, tình đời, về đức hy sinh và lý tưởng cách mạng, về lẽ sống, niềm tin...

Đọc đến lần thứ ba tôi mới có thể viết lên những dòng này để giới thiệu về tác phẩm của một tác giả không chuyên, bởi chỉ 158 trang viết nhưng cuốn sách chứa đựng ngồn ngộn tư liệu cùng những câu chuyện tình người, tình đời, về đức hy sinh và lý tưởng cách mạng, về lẽ sống, niềm tin...

 

Tác giả Huỳnh Thị Phượng không phải là nhà văn, không phải là người viết chuyên nghiệp, vì thế bà viết "Chuyện đời tự kể" không phải làm văn chương, nhưng cách kể chuyện tự nhiên, dung dị, "có sao nói vậy" của bà đã làm cho tác phẩm cuốn hút ngay từ những trang viết đầu tiên để bất cứ ai đã đọc sẽ khó mà dứt ra được. Cách kể chuyện của bà tuần tự, mạch lạc, đã làm cho câu chuyện, chính xác hơn là tập hồi ký, trở thành một tác phẩm văn học thực sự. Cách kể chuyện và cao hơn hết thảy là cuộc sống đời thường của bà - nay đã ở tuổi "xưa nay hiếm"- đã làm xúc động người đọc. "Chuyện đời tự kể" - một cuốn sách, một hồi ký trung thực. Cuốn sách không chỉ là câu chuyện kể của một con người cụ thể - bà Huỳnh Thị Phượng - mà qua đó, người đọc có thể bắt gặp ở đây rất nhiều những câu chuyện không còn của riêng ai. Rất nhiều đoạn của cuốn sách gây ấn tượng hết sức sâu sắc cho người đọc, nhất là cho những người đã từng sống, từng chiến đấu ở vùng Long Thành, Thủ Đức, Cao su Bình Sơn, mà rộng hơn là vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

 

Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, mồ côi cả cha lẫn mẹ, lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan; quê hương, đất nước bị quân thù giày xéo, bà đã sớm giác ngộ và đến với cách mạng một cách tự nhiên như bản tính chân chất của người nông dân Nam bộ để rồi qua chiến tranh gian khổ, Đảng và nhân dân đã đào tạo, bồi dưỡng nên một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một Tỉnh ủy viên gánh vác nhiều trọng trách của tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu qua các thời kỳ lịch sử. Cũng qua kháng chiến, qua gian khổ đấu tranh bà đã tìm được hạnh phúc riêng của cuộc đời mình.

 

Những người nghiên cứu lịch sử, thế hệ trẻ và những ai quan tâm đến cuộc kháng chiến ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai sẽ tìm thấy trong "Chuyện đời tự kể" rất nhiều những tư liệu bổ ích, những câu chuyện cảm động về tình người trong chiến tranh, về đức hy sinh, lòng quả cảm, về "nghĩa Đảng, tình dân"... Trong tác phẩm của mình, có lúc bà kể về những gian khổ của thời kỳ chống Pháp; có khi bà kể về những gian khổ, khốc liệt của thời kỳ chống Mỹ cứu nước mà rất nhiều nhân chứng đến nay vẫn còn. Thế nhưng, ngòi bút ấy đã lắng đọng lại để kể về "Nghĩa Đảng, tình dân"- cội nguồn sức mạnh và nguyên nhân của mọi thắng lợi. Người đọc sẽ tìm thấy ở đây những con người bình dị "hiền như hạt lúa, củ khoai" nhưng với những hành động thì rất đỗi anh hùng. Họ không sợ hiểm nguy dù có lúc đối diện với cái chết để bảo vệ, đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng cách mạng. Trong hồi ký của mình, bà đã viết hạnh phúc của gia đình bà hôm nay: "Vinh quang này trước hết là công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, công bảo bọc của bà con cô bác, ơn Đảng và cách mạng giáo dục rèn luyện...".  "Chuyện đời tự kể", nhưng bà lại dành để nói về người khác nhiều hơn nói về mình. Tổng kết lại gia đình mình qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà đã viết: "Thành tích vẻ vang nhưng tổn thất cũng rất nặng nề: Trong nhà hy sinh hết sáu người... bốn người bị thương tật... ba người bị tù đày đánh đập... hai bà mẹ Việt Nam anh hùng" - trong đó có người là bà mẹ Việt Nam anh hùng nhưng bản thân cũng là một liệt sĩ - mới thấy sức chịu đựng và sự hy sinh biết chừng nào.

 

"Chuyện đời tự kể" là một tập hồi ký có giá trị và ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước sâu sắc, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Đây là một tác phẩm xứng đáng được người đọc trân trọng.

 

 Ngọc Anh

 

(*) Tập tự thuật của tác giả Huỳnh Thị Phượng,  NXB Đồng Nai ấn hành. 

 

 

Tin xem nhiều