Giữa tháng 4 vừa qua, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh đón tết cổ truyền Chol Chnam Thmay thật trang trọng và đầm ấm. Niềm vui đón tết năm nay của đồng bào càng được nhân lên khi đời sống từng ngày được nâng cao...
Giữa tháng 4 vừa qua, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh đón tết cổ truyền Chol Chnam Thmay thật trang trọng và đầm ấm. Niềm vui đón tết năm nay của đồng bào càng được nhân lên khi đời sống từng ngày được nâng cao...
Bà Danh Thị Duyên (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) cho biết, từ vùng quê Trà Vinh, bà theo gia đình lên Đồng Nai lập nghiệp 15 năm nay. Khi mới đến đây, gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn. Cả nhà gần 10 người mà không hề có chút vốn liếng, nhà cửa để ở và làm ăn. Một thời gian sau, gia đình bà được chính quyền địa phương cấp đất, làm nhà cho ở và còn được cho vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay gia đình bà Duyên đã thuộc loại khá của địa phương; con cháu của bà đều đã đi làm, đi học.
Còn theo ông Sơn Thinh, Trưởng làng đồng bào Khmer ở ấp Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) thì sự đổi thay lớn nhất trong suy nghĩ và nhận thức của đồng bào Khmer hiện nay là đã biết chăm chỉ làm ăn và quan tâm đến việc học hành. Đồng bào bây giờ không chỉ đi làm thuê, làm mướn qua ngày mà nhiều người đã biết buôn bán, có nghề nghiệp ổn định cho bản thân. Ấp Hiệp Nhất có 68 hộ, 365 nhân khẩu là người Khmer, 2/3 trong số này đã tham gia các chương trình dạy nghề của tỉnh, nhiều hộ còn được vay vốn làm ăn... Nhờ các chương trình của tỉnh và Nhà nước, trong ấp đã có nhiều hộ thoát nghèo, như: hộ ông Kim Hường, hộ chị Sơn Thị Bích... Ấp Hiệp Nhất hiện cũng đang có 6 em học THPT tại các trường phổ thông dân tộc nội trú. Đặc biệt, trong làng có Châu Thị Pha, con ông Châu Kham vừa tốt nghiệp đại học. "Châu Pha là người đầu tiên của làng có trình độ đại học" - ông Sơn Thinh vui mừng cho biết.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, đồng bào Khmer chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (0,19%) so với dân số toàn tỉnh. Song, những năm qua tỉnh đã dành nhiều chính sách đặc biệt nhằm nâng cao mọi mặt đời sống cho đồng bào. Trong đó, đối với chương trình 134, toàn tỉnh đã có trên 300 hộ Khmer được hỗ trợ nhà ở, đất ở và nước sinh hoạt. Nhiều vùng đồng bào Khmer đã được đầu tư đường, điện, trường học, trạm y tế. Hiện có gần 540 em học sinh đồng bào Khmer theo học tại các trường trong tỉnh và 33 sinh viên cao đẳng, đại học. Để khuyến khích việc nâng cao dân trí trong đồng bào Khmer, tỉnh đã miễn giảm học phí cho các em ở tất cả các loại hình trường lớp; đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ người Khmer.
Dương An