Trong suốt cuộc đời mình, trong tình thương bao la, Bác Hồ đã dành một tình cảm đặc biệt đối với thiếu niên, nhi đồng. Người khẳng định, trẻ em cũng như mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội phải có quyền được sống, quyền hưởng hạnh phúc và quyền tự do.
Trong suốt cuộc đời mình, trong tình thương bao la, Bác Hồ đã dành một tình cảm đặc biệt đối với thiếu niên, nhi đồng. Người khẳng định, trẻ em cũng như mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội phải có quyền được sống, quyền hưởng hạnh phúc và quyền tự do.
Ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, giữa lúc hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh bắt buộc mọi người từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, để bảo đảm quyền học tập của trẻ em cần phải thực hiện đồng bộ nhiều mặt, như: xây dựng chế độ giáo dục dân chủ, tiến bộ, chống nền giáo dục nô lệ, đảm bảo những điều kiện cho việc học tập; cải tiến nội dung và phương pháp giáo dục. Với Bác Hồ, quan tâm giáo dục thiếu niên, nhi đồng không chỉ đem lại cho các em cơm no, áo ấm mà phải chăm lo việc học tập để các em trở thành người hữu ích.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ làm hết sức mình trong việc bảo vệ quyền lợi trẻ em mà còn luôn chỉ dẫn các em những điều tốt nên làm và những điều xấu nên tránh.
Thư nào gửi cho thiếu niên, nhi đồng Bác cũng luôn dành những tình cảm ấm áp, mến thương: "Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu được ấm no, được vui chơi, được học hành, được sung sướng". Khi đặt trách nhiệm cho các em, Bác cụ thể hóa bằng những lời khuyên bổ ích. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong, tháng 5-1961, Bác căn dặn các cháu: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm".
Tính nổi bật trong nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc và giáo dục trẻ em, ngoài việc đảm bảo mọi quyền cơ bản của trẻ em, Người còn luôn nhấn mạnh đến trách nhiệm của gia đình, xã hội. Ngày Quốc tế thiếu nhi năm 1969, ba tháng trước khi đi xa, trong bài viết "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng", Người căn dặn: "Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân".
Có lẽ trên thế giới hiếm có vị lãnh tụ nào dành nhiều tình cảm, suy nghĩ, thời gian và vật chất quý báu cho thiếu niên, nhi đồng như Bác Hồ kính yêu. Những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc và giáo dục trẻ em toát lên chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh - tất cả vì con người.
Vũ Trung Kiên