Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 90 năm ngày mất của học giả Phan Kế Bính (30-5-1921 * 30-5-2011):
Phan Kế Bính nói về tôn giáo

07:05, 28/05/2011

Phan Kế Bính (1875-1921) quê ở làng Thụy Khê (làng Bưởi), huyện Hoàn Long, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, là một học giả uyên bác, một nhà báo, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hiệu là Bưu Văn, thường ký bút hiệu Liên Hồ Tử dưới các bài thi ca.

Học giả Phan Kế Bính.

Phan Kế Bính (1875-1921) quê ở làng Thụy Khê (làng Bưởi), huyện Hoàn Long, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, là một học giả uyên bác, một nhà báo, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hiệu là Bưu Văn, thường ký bút hiệu Liên Hồ Tử dưới các bài thi ca.

Phan Kế Bính đỗ cử nhân Hán học năm 1906 nhưng không ra làm quan mà tham gia làng báo ngay từ năm 1907. Ông viết báo cho nhiều tờ báo trong nước, trong vai trò là một trợ bút, chủ yếu là dịch thuật, biên khảo sách chữ Hán. Sau đó ông lần lượt cộng tác với các tờ báo: Đông Dương tạp chí, Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn. Có thời gian ông làm trong ban biên tập Đông Dương tạp chí.

Từ khi thi đỗ không ra làm quan đến khi qua đời năm 1921, trong khoảng thời gian 15 năm ấy, ông để lại cho hậu thế một di sản văn hóa lớn, bao gồm nhiều loại từ các sách nghiên cứu, sách truyện ký đến bản dịch các bộ tiểu thuyết. Các tác phẩm của ông có thể kể đến, đó là: Việt Hán văn khảo (sách nghiên cứu văn học); Việt Nam phong tục (sách nghiên cứu phong tục); Nam hải dị nhân và Hưng đạo đại vương truyện (sách truyện ký); Tam quốc diễn nghĩa, Đại Nam điển lệ toát yếu, Đại Nam nhất thống chí... (sách dịch).... Đặc biệt, cuốn sách nghiên cứu Việt Nam phong tục, xuất bản năm 1915 với các nội dung hết sức phong phú về phong tục trong gia tộc, thôn xóm, trong xã hội.

Điểm đặc biệt là các nội dung ông viết đều có dẫn chứng lập luận rất chặt chẽ và có tính phản biện rất cao. Trong cuốn “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính đã có những kiến giải rất súc tích về các tôn giáo. Nói về Phật giáo, cụ viết: “Phật giáo cũng là một món đạo giáo, người tầm thường vị tất đã hiểu thấu lý cao sâu của nhà Phật, thì cũng chớ nên bài bác khinh bỉ mà thành ra một người vô hạnh”. Về Đạo Lão, cụ cho rằng, tính mê tín dị đoan tiêm nhiễm vào dân ta quá lâu là bởi không hiểu tôn chỉ của Đạo giáo “Chứ nếu hiểu được tôn chỉ thì dầu chẳng được như Thánh nhân hưng công lập nghiệp, nhưng cũng làm nên một bậc người chí hướng cao kỳ” và cụ khuyên mọi người chớ nên vì “mấy kẻ mê tín dị đoan mà vội khinh bỉ Đạo Lão được”. Sau khi sơ lược về quá trình Đạo Thiên chúa truyền vào nước ta, về tổ chức, lễ nghi của đạo này, cụ cho rằng việc các đạo nghi ngờ lẫn nhau, phản bác lẫn nhau “chẳng qua chỉ gây nên mối họa loạn, mà hại lẫn nhau, thực là điều trái với tôn chỉ của đạo giáo mình cả”. Và cụ kết luận rằng “Thánh nào cũng vậy, cũng chỉ dạy người ta lấy sự làm lành mà thôi”.

Nhân 90 năm ngày mất của cụ, nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI hơn một thập kỷ; đọc lại những luận giải của cụ về tôn giáo từ đầu thế kỷ XX nhưng nội dung tư tưởng vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều