Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Đỗ Nhuận (18-5-1991-18-5-2011)
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận với những ca khúc sống mãi với thời gian

08:05, 14/05/2011

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những nhạc sĩ tiên phong của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Có thể nói, ông cũng là một trong những nhạc sĩ đa tài.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những nhạc sĩ tiên phong của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Có thể nói, ông cũng là một trong những nhạc sĩ đa tài. Ông tự học âm nhạc dân tộc và biết chơi sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, đàn tứ, đàn bầu. Đồng thời ông cũng là nhạc sĩ duy nhất trong thế hệ đầu của tân nhạc được đào tạo bài bản, ông đi học đại học tại Nhạc viện Tchaikovsky từ năm 1960 đến 1962. Bởi vậy, ông là một trong những nhạc sĩ đã để lại cho di sản văn hóa Việt Nam nói chung và nền âm nhạc Việt Nam (nhất là âm nhạc cách mạng) nói riêng những ca khúc có sức sống bền vững đi suốt với thời gian. 

 

Năm 1939, lúc ông vừa mới bước sang độ tuổi "bẻ gãy sừng trâu", ông  đã có ca khúc đầu tay đầy dấu ấn - bản Trưng Vương. Trưng Vương được phổ biến rộng rãi và đã xuất bản ngay trong năm đó. Tiếp theo, từ cảm hứng lịch sử, ông soạn nhiều ca khúc như: Chim than, Lời cha già, Đường lên ải Bắc... là cơ sở soạn nên vở ca cảnh Nguyễn Trãi - Phi Khanh (gồm 3 ca khúc Chim than, Lời cha già, Đường lên ải Bắc được ông viết trong hai năm 1940, 1941). Thời gian đó nhạc sĩ cũng bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1943, vì in và rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng nên ông bị bắt giam vào nhà lao Hải Dương, rồi đưa lên Hỏa Lò và sau bị đày lên Sơn La. Trong tù, Đỗ Nhuận đã viết nhiều bài hát cách mạng như: Chiều tù, Côn Đảo, Hận Sơn La, Tiếng gọi tù nhân, Viếng mồ tử sĩ, Du kích ca... Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục sáng tác và hoạt động cách mạng. Ông viết nhiều bài hát và khá phổ biến thời bấy giờ: Nhớ chiến khu, Đường trường vô Nam, Tiếng súng Nam Bộ, Bé yêu Bác Hồ, Ngày Quốc hội... Trong thời gian chiến tranh, ông có những ca khúc về du kích cùng nhiều nhạc phẩm khác: Du kích ca, Đoàn lữ nhạc, Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên, Tình Việt Bắc, Lửa rừng, Tiếng hát đầu quân, Áo mùa đông, Đèo bông lau... Trong số đó nổi bật nhất phải kể đến Hành quân xa và Chiến thắng Điện Biên.

 

57 năm trôi qua, thế nhưng, mỗi khi trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên giai điệu hùng tráng: "Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui. Bản mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đàn em bé giữa đường nắm tay xòe hoa (...) Giải phóng miền Tây bộ đội ta đã mau trưởng thành thắng trận Biện Biên Phủ càng tin quyết tâm ở trên. Đổ mồ hôi phá núi bắc cầu, vượt rừng qua suối đắp đường thắng lợi về đây ..." là lòng chúng ta lại cùng ngân rung với những cảm xúc đặc biệt nhất. Vui thay, đây chính là nhạc hiệu báo hiệu một ngày  mới bắt đầu (và là nhạc hiệu đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam kể từ tháng 7-1954 đến nay). Tháng 9-1996, với chùm ca khúc: Nhớ chiến khu, Du kích sông Thao, Hành quân xa, Chiến thắng Điện Biên, Việt Nam quê hương tôi, Trai anh hùng gái đảm đang, Trồng cây lại nhớ đến Người và nhạc kịch Cô Sao, Người tạc tượng..., nhạc sĩ đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh...Về sau, ca khúc "Chiến thắng Điện Biên" còn được ghi vào Từ điển bách khoa Quân sự Việt Nam. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và những ca khúc bất hủ của ông đã, đang và sẽ còn sống mãi, sáng mãi với thời gian...

 

Nguyễn Thị Thọ

                                    

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều