Một trong những yếu tố quan trọng trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa là phải giảm thiểu được tệ nạn bạo lực gia đình. Có như thế, gia đình và xã hội mới phát triển ổn định, bền vững.
Một trong những yếu tố quan trọng trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa là phải giảm thiểu được tệ nạn bạo lực gia đình. Có như thế, gia đình và xã hội mới phát triển ổn định, bền vững.
* Những con số giật mình
Theo khảo sát chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, năm 2006 toàn tỉnh có 737 vụ bạo hành gia đình với số lần bạo hành lên đến 1.384 lần (có gia đình xảy ra đến 5 vụ bạo hành/năm). Trong đó, đa số nạn nhân bị bạo hành là người vợ và con cái, chiếm tỷ lệ đến 85,9%. Năm 2010, số vụ bạo hành gia đình dù có giảm nhưng cũng xảy ra đến 777 vụ, nạn nhân chủ yếu vẫn là phụ nữ và trẻ em, chiếm tỉ lệ 83,9%. Đáng chú ý, trong đó có 60,3% là bạo lực về thân thể, 26,2% là bạo lực về tinh thần.
Một gia đình của đơn vị Đồng Nai tham gia chương trình Ngày hội văn hóa gia đình các tỉnh Đông |
Bạo lực gia đình đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tinh thần, kinh tế gia đình và ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội. Trong năm 2010 có 71 vụ bạo hành dẫn đến ly hôn, 58 vụ ly thân, 5 vụ dẫn đến nạn nhân bị bạo hành tự tử, 42 vụ nạn nhân phải tìm đến các nhà tạm lánh. Có đến 44,6% nạn nhân bạo hành bị hoảng loạn tinh thần. Trẻ em bị bạo lực thường dẫn đến bỏ học, tham gia vào các tệ nạn xã hội dẫn đến vi phạm pháp luật. 47 gia đình có bạo lực dẫn đến trẻ em vi phạm pháp luật, 14 trường hợp khác các em bỏ học sớm...
* Nhân rộng mô hình hiệu quả
Bà Lưu Thị Phượng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch nhận xét, kết quả khảo sát trên cho thấy tình trạng bạo lực gia đình đang diễn biến hết sức phức tạp, vì thế từ năm 2006, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, hoạt động phòng chống, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình. Từ năm 2008, Sở đã xây dựng mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình thí điểm tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom). Tại mô hình này, đã thành lập được 2 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững hoạt động thường xuyên với 183 hộ gia đình tham gia. Các nhóm phòng chống bạo lực gia đình đều thành lập đường dây nóng, địa chỉ và số điện thoại của các thành viên, thông báo rộng rãi cho nhân dân. Vì thế, hầu hết các vụ bạo hành gia đình trong xã đều được phát hiện và xử lý kịp thời. Biện pháp xử lý cũng rất nhân văn, trong đó các đoàn thể cùng phối hợp với nhau để hòa giải là chính.
Trong 2 năm 2008-2010, các nhóm phòng chống bạo lực gia đình của xã Sông Trầu đã can thiệp, xử lý 73 vụ bạo hành gia đình, hòa giải thành công 41 vụ, giúp hàn gắn nhiều gia đình có nguy cơ đổ vỡ. Một số gia đình đã đưa đơn ra tòa xin ly hôn, nhưng nhờ sự hòa giải có tình, có lý của các câu lạc bộ đã trở về chung sống, cùng nhau làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Có một trường hợp hòa giải đã khiến các thành viên phải nhớ mãi, và chính các cơ quan chức năng cũng phải "bái phục" tài hòa giải của các thành viên câu lạc bộ ở xã Sông Trầu. Đó là trường hợp gia đình anh T., do anh thường xuyên bỏ nhà đi, thậm chí có lúc đi một lèo đến năm, bảy tháng mới về nên chị B. vợ anh sinh ghen tuông. Hai vợ chồng trước thì cãi vã lời qua tiếng lại, sau thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Suốt mấy năm trời hàng xóm phải "rát tai" đã đành, mà gia đình anh chị vì thế cũng không được yên ổn làm ăn, rơi vào diện hộ nghèo trong xã, con cái có nguy cơ bỏ học. Các thành viên câu lạc bộ đã kiên trì đến hàng chục lần để thuyết phục, hòa giải, giúp gia đình vay vốn làm ăn. Nhờ vậy, anh chị đã hòa thuận, cùng nhau chí thú làm ăn nên thoát nghèo... |
Từ hiệu quả của mô hình này, năm 2009 Sở đã triển khai rộng ra toàn tỉnh. Hiện có 575 nhóm phòng chống bạo lực gia đình với 850 tổ hòa giải, năm qua đã hòa giải thành công 698 vụ bạo hành gia đình. Song song đó, Sở cũng xây dựng các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, như: Trang bị 28 tủ sách với các đầu sách về pháp luật, giáo dục đời sống gia đình; phối hợp với Trung tâm văn hóa tỉnh dàn dựng các tiết mục thông tin lưu động mang nội dung phòng chống bạo lực gia đình; tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới tại các khu dân cư, công nhân nhà trọ, sinh viên các trường đại học, cao đẳng.
"Để tạo sự chuyển biến mạnh trong phòng chống bạo lực gia đình, cần phải thực hiện nhiều việc, như tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hiệu quả; hình thành các cơ sở tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân; xây dựng những địa chỉ tin cậy cho nạn nhân trong cộng đồng" - bà Lưu Thị Phượng cho biết.
Hà Lam