Báo Đồng Nai điện tử
En

TP. Hồ Chí Minh bảo tồn di sản từ những trò chơi

11:05, 31/05/2011

Trò chơi dân gian được xem là "di sản" của một nền văn hóa thể hiện tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết rất rõ ràng. Các trò chơi ấy được lưu truyền bằng miệng hay được học hỏi trong quá trình chơi và thi đấu. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại ở những đô thị như TP.Hồ Chí Minh, trò chơi dân gian phải đứng trước cuộc cạnh tranh không cân sức với các trò chơi hiện đại với sự lan tỏa "siêu tốc độ"...

Trò chơi dân gian được xem là "di sản" của một nền văn hóa thể hiện tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết rất rõ ràng. Các trò chơi ấy được lưu truyền bằng miệng hay được học hỏi trong quá trình chơi và thi đấu. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại ở những đô thị như TP.Hồ Chí Minh, trò chơi dân gian phải đứng trước cuộc cạnh tranh không cân sức với các trò chơi hiện đại với sự lan tỏa "siêu tốc độ"...

 

TÌM VỀ KÝ ỨC...

 

"Thả đỉa ba ba, chớ bắt đàn bà, phải tội đàn ông, cơm trắng như bông, gạo tiền như nước".

 

Những trò chơi dân gian như trốn tìm, nu na nu nống, thả đỉa ba ba, trồng nụ, bịt mắt bắt dê... đi kèm với những câu đồng dao mộc mạc ngày nay dường như chỉ còn trong ký ức của thế hệ lớn tuổi. Cụ Chu Thị Thành (82 tuổi, ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) nhớ lại: "Ngày xưa chăn trâu, cắt cỏ chơi nhiều trò lắm, nào là ô ăn quan, nhảy lò cò. Chơi ở bất kể đâu ngoài đồng, trên bờ đê. Chơi bịt mắt bắt dê thì con trai cởi áo làm khăn, ai cũng nhiệt tình, chơi không biết chán".

 

Trẻ em say mê với trò chơi nặn gốm.

Kéo co là trò chơi không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết mà còn rèn luyện sức khỏe cho các thành viên trong đội chơi. Chơi bắn bi rèn cho đôi mắt tinh nhanh hơn, ô ăn quan rèn luyện khả năng phán đoán của người chơi... Mỗi trò chơi dân gian đều góp phần vào việc rèn luyện "trí, lực" cho người chơi.

 

Bạn Thùy Trâm, SV ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Hồi mình học cấp 2, giữa giờ ra chơi là cả nhóm xúm vào chơi trò "banh đũa". Trong cặp lúc nào cũng có một ngăn dành riêng đựng dụng cụ các trò chơi. Lâu rồi tôi không được chơi nữa. Giờ về quê thấy lớp nhỏ ngày nay cũng không còn chơi như mình ngày xưa mà toàn chơi game".

Những trò chơi dân gian cứ ngỡ như tuổi thơ ai cũng từng được trải nghiệm... nhưng thực tế hiện nay, nhiều bạn thế hệ 9X hầu như không biết. Cụ Loan (70 tuổi, ở Q.Tân Bình) cho biết: "Giờ các cháu của cụ chỉ chơi game, ở nhà thì điều khiển xe ô tô cỡ nhỏ, xếp hình. Tui nhặt sỏi cho tụi nó chơi trò ô ăn quan nhưng tụi nó không chịu".

 

Trò chơi dân gian không còn được tổ chức phổ biến trong trường học do thiếu không gian. Các bậc phụ huynh trong đô thị hiện nay thường bận rộn. Đó là những lý do làm mạch chảy trò chơi dân gian gần như đứt đoạn.

 

...VÀ MỘT HY VỌNG

 

Gần đây, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực để khôi phục các hình thức trò chơi dân gian. Khu du lịch Bình Quới tổ chức trò chơi dân gian vào các ngày lễ. Công viên văn hóa Đầm Sen tổ chức sân chơi dân gian hai ngày cuối tuần. Tuy các sân chơi này còn thưa thớt, đơn sơ, nhưng đó là dấu hiệu đáng quý.

 

"Chơi các trò chơi dân gian rất vui, đoàn kết giữa các bạn chơi, bạn bè trở nên thân thiết hơn. Tôi mong rằng các con của tôi cũng được trải nghiệm những trò chơi mà thủa xưa tôi đã từng chơi nhưng không có sân chơi nào cho các bé cả" - đó là lời tâm sự của chị Hoàng Thị Thạch, mẹ bé Quốc Khánh 9 tuổi ở Quận 3.

 

Nhiều trường mẫu giáo, tiểu học như Trường mầm non Tuổi thơ 7, Trường tiểu học Chính Nghĩa đã đưa một số trò chơi vào mỗi giờ sinh hoạt hay những buổi vui chơi dã ngoại nhằm giúp học sinh ý thức được những nét đẹp trong văn hóa dân gian mà ông cha để lại. Những nhà tổ chức đang hy vọng nhân rộng mô hình sân chơi dân gian còn hiếm hoi này để góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Một chuyên gia thường xuyên tổ chức trò chơi dân gian cho các lễ hội ở TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Người Việt Nam trước đây rất thích chơi các trò chơi như bắt ếch, đi cầu khỉ, thi tài bắt vịt.... Vấn đề là phải có nhiều đơn vị, cá nhân nhiệt tình tổ chức sân chơi dân gian này để các bạn trẻ không thể lãng quên...".   

  

Chu Thị Thu

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Cửa hàng Cơ bida Thế Giới BidaXem kết quả xổ số miền bắc 30 ngày