Báo Đồng Nai điện tử
En

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền

11:05, 16/05/2011

Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm rõ ràng, đúng đắn về nhà nước xã hội chủ nghĩa: "Nhà nước của dân, do dân, vì dân". Vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa luôn được thể hiện trong Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng và trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm rõ ràng, đúng đắn về nhà nước xã hội chủ nghĩa: "Nhà nước của dân, do dân, vì dân". Vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa luôn được thể hiện trong Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng và trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

Hồ Chí Minh đã phác thảo ra mô hình nhà nước mới, trong đó "Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ chức ra chính phủ công, nông, binh, phát đất cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền... ra sức tổ chức kinh tế mới, để thực hành thế giới đại đồng". Cách mạng tháng Tám thành công, với những nhận thức lý luận và tư tưởng tiến bộ được hình thành, tích lũy trong suốt 30 năm bôn ba ở nước ngoài, ngay từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm xây dựng mô hình Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước pháp quyền, hợp pháp, hợp hiến, dân chủ và đề cao tính hiệu lực, hiệu quả. Người quan tâm đến việc tổ chức các thiết chế của bộ máy nhà nước và ban hành các thể chế, tạo cơ sở khoa học và pháp lý để xây dựng "một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân".

Cán bộ phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) tham gia tiếp công dân và giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: CÔNG NGHĨA

Quan điểm tư tưởng cốt lõi và nhất quán của Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền Việt Nam, đó là một chính quyền mạnh, một chính quyền sáng suốt, một chính quyền của dân, do dân, thành lập và hoạt động vì nhân dân, bộ máy nhà nước do nhân dân lập ra thông qua tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín; hoạt động vì lợi ích của dân. Người chỉ rõ: "Nhân dân là chủ, chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình chính phủ, có quyền bãi miễn đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân". Người nhấn mạnh: "Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân... Tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân".

 

 Quan điểm tư tưởng nhất quán và sáng tạo của Hồ Chí Minh về một Chính phủ toàn dân, liêm khiết, biết làm việc: "Chính phủ sau đây phải là một chính phủ của toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài... một chính phủ liêm khiết... biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất nước nhà". Người cũng nhấn mạnh: "Việc gì có lợi cho dân ta hết sức làm. Việc gì có hại cho dân ta hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta kính ta".

 

Cho đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam còn nguyên giá trị và ngày càng hiện thực. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng khẳng định: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa...

Hoài Đăng

 

 

Tin xem nhiều