Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Báo Đồng Nai (1976-2011):
Nhớ về những cộng tác viên “có lửa”

11:06, 15/06/2011

Làm ở Báo Đồng Nai qua 5 đời tổng biên tập, có thời gian khá dài làm công tác cộng tác viên và biên tập, vậy mà mỗi khi cầm trên tay tờ báo Xuân hoặc đọc những trang báo có nhiều bài vở của cộng tác viên (CTV), tôi không khỏi tự đặt câu hỏi: “Không hiểu tờ báo Đồng Nai sẽ ra sao nếu không có lực lượng CTV hùng hậu và bao trùm mọi mặt đời sống xã hội như hơn ba chục năm qua?”.

Làm ở Báo Đồng Nai qua 5 đời tổng biên tập, có thời gian khá dài làm công tác cộng tác viên và biên tập, vậy mà mỗi khi cầm trên tay tờ báo Xuân hoặc đọc những trang báo có nhiều bài vở của cộng tác viên (CTV), tôi không khỏi tự đặt câu hỏi: “Không hiểu tờ báo Đồng Nai sẽ ra sao nếu không có lực lượng CTV hùng hậu và bao trùm mọi mặt đời sống xã hội như hơn ba chục năm qua?”.

 

* Hùng hậu thay cộng tác viên

 

Thật khó mà thống kê cho thật đầy đủ số lượng CTV của Báo Đồng Nai. Ngay cả việc phân loại cũng đã không dễ. Báo có CTV phát hành, CTV tổ chức sản xuất đời sống và CTV cung cấp thông tin phục vụ nhiệm vụ chính trị cơ bản của tờ báo. Chỉ riêng CTV tin tức cũng đã có lắm loại: CTV là người công tác ở các ban, ngành đoàn thể, các lĩnh vực xã hội khác nhau tuyên truyền cho ngành nghề, lĩnh vực mình đang tham gia hoạt động; CTV là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu... xem báo là diễn đàn để công bố tác phẩm. Đó là chưa kể, một đội ngũ đông đảo những nhà báo tự do chọn việc cộng tác với các báo làm phương thức sinh sống, hoặc họ là những nhà báo của các cơ quan báo chí trung ương đóng tại địa phương, phóng viên các cơ quan báo, đài của tỉnh và các huyện tham gia làm CTV cho Báo Đồng Nai.

 

Trong nhũng ngày hướng đến kỷ niệm 65 năm truyền thống và 35 năm thành lập Báo Đồng Nai, tôi đã dành ra cả tuần lễ để lật chồng báo khổng lồ với mong muốn nhắc lại đầy đủ những người đã từng cộng tác với báo Đồng Nai trong suốt hơn 30 năm qua. Nhưng mới nửa chừng, bài viết đã dài đến 3.000 từ (không phù hợp cho khuôn khổ một bài báo) do số lượng CTV quá đông. Trong đó, nhiều nhất là số CTV chỉ có một, hai bài viết rồi vì nhiều lý do gì đó không thể tiếp tục cộng tác nữa, như: cố GS Trần Kim Thạch viết về lòng đất Trị An; cố nhà báo Chánh Trinh cảm xúc khi “Đến Xuân Lộc nghe chuyện bóng đá”; nhà văn Bùi Hiển vào Đồng Nai thăm con trai Bùi Quang Tú cũng ghi vội mấy dòng cho Báo Đồng Nai để làm duyên. Hay như thiếu tướng Lương Văn Nho, nhà tình báo Hoàng Đạo... mượn trang Báo Đồng Nai để ký thác chuyện lịch sử... Có rất nhiều CTV chỉ có một bài, mà có lẽ giờ đây nhắc lại tác giả cũng không còn nhớ nổi. Năm 1979, Bí thư Đoàn phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa Bùi Ngọc Thanh (nay là Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy) viết bài về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc của phường. Đây có thể xem là bài viết đầu tiên trên Báo Đồng Nai về mảng đề tài này. Hoặc CTV Lệ Hồng trong ban Nông nghiệp Tỉnh đoàn (nay là bà Nguyễn Thị Lệ Hồng - Tổng giám đốc Dofico) viết về nông nghiệp...

Cộng tác viên Báo Đồng Nai chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo lão thành. Ảnh: P.DẪU

Thế nhưng, ấn tượng mạnh nhất đối với tôi lại là những người từng trèo đèo lội ruộng của ngành nông - lâm - thủy (ngành có đông CTV nhất) đã nhiều năm gắn bó, cộng tác chặt chẽ với Báo Đồng Nai. Trong đó có nhiều người nổi bật như: Trần Như Độ, Ao Văn Thinh, Trương Bá Tuấn, Nguyễn Danh An... Riêng KS Nguyễn Viết Bo (còn có thêm bút danh Cẩm Lai, sau đó là Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất) là một cây bút nghiệp dư thâm canh khá lâu dài trên trang báo với bài viết không những chặt về kỹ thuật, mà còn thấm đẫm tình người. Bên lực lượng vũ trang, Báo Đồng Nai cũng có rất nhiều CTV, từ Nguyễn Mạnh Đàn (Bộ đội biên phòng) đến Trần Cử, Đào Đức Tư, Tam Kỳ..., sau nầy còn có cả Tôn Thất Quỳnh Ái, Phạm Văn Hồng... nhưng xông xáo, tích cực và nhiệt tình, được nhiều người nhắc đến nhất vẫn là Ngô Minh Mẫn. Trong thời kỳ này, bên ngành Công an có Nguyễn Phương Đông; ngành giáo dục thì có Chu Diễn Thành, Nguyễn Văn Mạnh; ngành y tế có DS Nguyễn Tất Cường, BS Vương Tú Toàn... CTV bên ngành văn hóa có: Phạm Văn Lợt, Lưu Ánh Tuyết, Đỗ Bá Nghiệp, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Tặng, Phạm Minh, Trần Quang Toại, Cảnh Tuệ... Lê Văn Thiên (UBND tỉnh), Trọng Nguyễn, Lê Liên... (Ban TCTU). Ngoài ra, Báo Đồng Nai còn có một lực lượng CTV rất mạnh ở Công ty cao su với những tên tuổi như: Văn Nhã, Tấn Tự, Tấn Quốc, trong đó cây bút già dặn Năm Mai năm 1982, một mình chiếm 2 giải thi viết tin trong tổng số 12 giải tin hay do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức.

 

Nhiều CTV không chỉ viết tin, mà còn tham gia làm cả công việc phát hành báo từ những ngày đầu, như: Bạch Mai (Tỉnh đoàn), Võ Hồng Chuyên (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), Thành Yến (xã Phú Túc, huyện Tân Phú), Anh Lam (Dầu Giây, huyện Thống Nhất), Nguyệt Cầm (Bà Rịa)... Đặc biệt, có những CTV nữ có khuôn mặt khó quên, như: Bạch Huệ, Diệp Hoàng Mai, Đỗ Thị Thanh Hương, Hoàng Ngọc Điệp, Nguyễn Thị Tư, Đỗ Thị Ngọc, Tâm Đan... Một nhân vật cũng khá gây ấn tượng là Lê Hữu Tịnh, kỹ sư kinh tế mới ra trường về Đồng Nai công tác vẫn ngày ngày về TP.Hồ Chí Minh học thêm, lại viết nhiều bài báo phân tích, nhận định về kinh tế rất sắc sảo. Ngoài sử dụng thêm bút danh Khánh Phương, Hữu Tịnh còn thủ cả Diễn đàn kinh tế - một chuyên mục thường xuyên trên báo.

 

* Những cây bút nghiệp dư rất... máu lửa

 

CTV Hoàng Vĩnh Phú, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được biết đến với loạt bài chống tham nhũng, tiêu cực nảy lửa, cùng chuyên mục vấn đề hôm nay với nhiều luận điểm sắc bén do ông phụ trách. Ông còn có thơ, bài chính luận đăng trên Báo Đồng Nai từ những số đầu tiên và khi là Phó chủ tịch rồi quyền Chủ tịch UBND tỉnh, công việc ngập đầu, nhưng ông vẫn viết báo đều đều và trên báo Xuân năm nào cũng có bài của Hoàng Vĩnh Phú. Em trai ông là ông Hoàng Vân Nghi cũng là CTV lâu năm của báo.

 

Những bài đầu tiên của Hồ Văn Lưu (Thành đoàn Biên Hòa) là tùy bút và thơ viết để cổ vũ thanh niên đang lao động trên công trường thủy lợi Tân Hạnh. Bén duyên, vị CTV này viết sang nhiều lĩnh vực khác và sau đó giữ chuyên mục “Luật sư của bạn”. Gắn bó thân thiết với anh em làm báo đến nỗi có năm Hồ Văn Lưu đến cơ quan báo cùng đón giao thừa. Khi làm Phó văn phòng UBND TP.Biên Hòa, Hồ Văn Lưu tạo ra cầu nối cho giới báo chí với lãnh đạo địa phương bằng những cơ hội giao lưu, trong đó có đá bóng giao hữu.

 

Chuyện hơi khó ngờ là phần lớn bài viết của CTV Lê Hoàng nằm trong thể loại phóng sự thiên về đời sống xã hội với ngôn ngữ bình dị, gần gũi đời thường. Không nói về phong cách, chỉ riêng về số lượng bài phóng sự không thôi, thì đến nay chưa có nhà báo chuyên nghiệp nào ở Đồng Nai có được. Lê Hoàng còn là cây bút viết tiểu phẩm khá sắc nét, tham gia cả trong cảnh đời thường, hôn nhân gia đình. Tuy mang tiếng “nổ” dữ, nhưng CTV Lê Hoàng lại là người có chính kiến với nhận định riêng rất sắc sảo, thông minh. Chính điều này đã giúp Lê Hoàng vượt qua nhiều vụ lùm xùm trong mấy “nghi án báo chí”.

 

CTV rất máu lửa trong nghề nhưng chẳng may vắn số để lại nhiều thương tiếc cho bạn bè, đồng nghiệp cũng cần phải nhắc tới là Trần Công Hòa. Với rất nhiều bút danh như: Sơn Trà, Trần Sơn, Bảo Lộc, Công Hòa..., CTV ở Long Khánh này dùng ngòi bút, máy ảnh và cả máy ghi âm, máy quay phim của mình tả xung hữu đột khắp mọi lĩnh vực và thường xuyên choáng hết diện tích các trang báo. Sơn Trà hầu như vắt hết sức lực của mình ra để làm báo.

Hội nghị cộng tác viên. Ảnh: K.TUẤN

Cách đây 15 năm, đúng vào ngày 21-6-1996, ông Văn Thanh trong bài viết “Tâm sự người cộng tác viên” đăng trên Báo Đồng Nai số 1450 cho rằng: “Quá trình ra đời và lớn lên của báo, đài tỉnh nhà cũng là thời gian mà ngòi bút cộng tác viên của tôi được mài giũa sắc bén hơn. Thú thật, lúc đầu tôi viết là để thông qua báo chí mà tuyên truyền cho lĩnh vực công tác của mình. Do vậy, tôi viết bằng nhiệt tình, biết gì viết nấy, hay nói nôm na là “đánh võ lâm” nhưng càng ngày tôi thấy mình càng đứng vững được là nhờ sự phấn đấu của bản thân và một yếu tố rất quan trọng là nhờ các đồng chí biên tập đã chịu khó sửa cho tôi từng chữ, từng câu, từng ý, làm cho mỗi bài được sử dụng không chỉ là niềm động viên tinh thần, mà đều có ý nghĩa quan trọng là tôi được học tập thực tế qua từng bài viết, được lớn lên qua từng bài viết, để tôi làm tròn nhiệm vụ đảng viên, mà còn làm tròn trách nhiệm của cộng tác viên trong việc xây dựng báo Đảng”.

 

CTV Văn Thanh, Năm Y, Nguyễn Văn Y với tên thật là Nguyễn Văn Canh là một cán bộ kháng chiến trải qua nhiều cuơng vị công tác khác nhau nhưng ở đâu, nơi nào ông cũng thuờng xuyên có bài trên Báo Đồng Nai...

 

Bùi Thuận

 

 

 

Tin xem nhiều