Đến nay Báo Đồng Nai đã có quá trình 65 năm xây dựng và trưởng thành kể từ khi ra đời giữa vùng Chiến khu Đ anh hùng (tháng 6-1946)...
Đến nay Báo Đồng Nai đã có quá trình 65 năm xây dựng và trưởng thành kể từ khi ra đời giữa vùng Chiến khu Đ anh hùng (tháng 6-1946)...
Tháng 6-1946, tờ báo mang tên Đồng Nai (là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và quân dân Biên Hòa lúc bấy giờ) ra đời. Báo được in rônêô, mỗi kỳ 2 trang, khổ 30 x 40cm; mỗi số xuất bản khoảng 300-500 tờ. Về sau, do thiếu giấy và mực in nên phải từ 10-15 ngày, báo mới xuất bản một số.
Cuối năm 1948, tại Đất Cuốc, Tân Uyên, Chiến khu Đ, Báo Đồng Nai được Ty Thông tin - tuyên truyền đổi tên thành Biên Hòa (là cơ quan kháng chiến của Đảng bộ và quân dân Biên Hòa) và có thêm tờ Thông tin Biên Hòa. Tờ báo cứ ba ngày xuất bản một kỳ với số lượng in 500-600 tờ. Nhờ in chữ chì, báo ra nhanh, phản ánh kịp thời tình hình chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân dân, có tác dụng cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Biên Hòa trong kháng chiến.
Đến tháng 5-1951, hai tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên nên Báo Biên Hòa và Thông tin Biên Hòa đổi thành tờ Thông tin tuyên truyền Thủ Biên (Báo Thủ Biên). Báo in 4 trang, khổ 30 x 40cm, ba ngày ra một số với số lượng 400-500 tờ. Nội dung báo có xã luận, bình luận, tin tức trong tỉnh, trong nước, quốc tế và văn thơ..., có nội dung động viên đồng bào, chiến sĩ hăng hái kháng chiến.
Báo Thủ Biên - mà tiền thân là Báo Đồng Nai - đã đi từ không đến có, từ kỹ thuật in thô sơ, in sáp, xu xoa đến ấn loát chữ chì... Đội ngũ làm báo không chuyên vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút chống giặc, song họ rất nhiệt tình, khắc phục khó khăn, đảm bảo báo có mặt liên tục trong chiến khu, trên các trận địa và các vùng giải phóng, vùng tạm chiếm.
Sau năm 1954, những cơ sở cách mạng còn lại ở Biên Hòa bị địch lùng sục, đánh phá hết sức ác liệt. Phương tiện và đội ngũ làm báo cũng bị thiệt hại khá nặng nề, nên trong giai đoạn này, Báo Thủ Biên tạm đình bản.
Đến tháng 6-1961, Trung ương Cục cho phép thành lập lại tỉnh Biên Hòa để bước vào một thời kỳ mới: "Kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nhằm mục tiêu trước mắt là đánh bại cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ". Để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị này, Tỉnh ủy Biên Hòa quyết định xuất bản Báo Đồng Nai. Thế là sau 15 năm, qua bao thăng trầm, thay đổi măng-sét, Báo Đồng Nai đã trở lại với bạn đọc trong tỉnh. Báo in đen trắng, khổ 30 x 40cm, với số lượng phát hành 3 ngàn bản. Dưới măng-sét của Báo Đồng Nai là dòng chữ "Cơ quan thông tin của Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Biên Hòa".
Đến năm 1966, trước yêu cầu của nhiệm vụ mới, ba tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh sáp nhập thành tỉnh Bà Biên. Tỉnh Bà Biên cho ra Báo Giải Phóng - cơ quan đấu tranh của nhân dân tỉnh Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh. Báo in khổ 30 x 40cm từ 8-12 trang, số lượng phát hành mỗi kỳ 500-5.000 số.
Mặc dù trong kháng chiến cực kỳ gian khổ nhưng các báo Đồng Nai trước đó và Báo Giải Phóng sau này đều có chức năng giải trí, định hướng thẩm mỹ bằng các bài bút ký, truyện ngắn, ca khúc... động viên tinh thần quân dân Biên Hòa lạc quan đi vào cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc...
V.X