Đêm về sáng. Không gian yên ắng chợt bị phá vỡ bởi tiếng trẻ con khóc ngầy ngật và dai dẳng bên nhà hàng xóm. Rồi giọng người mẹ trẻ đã đớt dỗ con, hát ru một lúc, đứa bé vẫn không nín, nghe mà xót cả ruột.
Đêm về sáng. Không gian yên ắng chợt bị phá vỡ bởi tiếng trẻ con khóc ngầy ngật và dai dẳng bên nhà hàng xóm. Rồi giọng người mẹ trẻ đã đớt dỗ con, hát ru một lúc, đứa bé vẫn không nín, nghe mà xót cả ruột. Tiếp theo là tiếng người già nôn nã: "Bây coi thằng nhỏ bị sao mà khóc hoài? Đây... ngoại đây cháu... nín dứt ngoại thương. Thấy chưa? Tã quấn bị ướt hỏi sao nó hổng khóc, mẹ tệ quá phải hông cháu. Đây... cháu nằm với bà cho ngoan!". Được chăm sóc tốt, đứa bé có lẽ đã ngủ lại, chỉ còn tiếng người bà khe khẽ ầu ơ ví dầu những câu hát mộc mạc, lời ca dao thân thương đưa tâm hồn trẻ thơ non nớt chìm vào miền cổ tích ngọt lành...
Lớn lên một chút, đứa trẻ khi được mẹ quan tâm: "Con đói bụng chưa?", đã hồn nhiên xoa bụng giả bộ nhăn nhó: "Dạ... con đói bụng, mà đói bụng... bánh thôi!". Câu trả lời dễ thương khiến ai cũng bật cười. Cháu bé về nội, về ngoại chơi mươi bữa, nửa tháng rồi đi. Mấy ngày liền bà nội, bà ngoại hơi thẩn thờ ít nói, lâu lâu ngó quanh ra ngõ nhớ mong dáng cháu. Ông nội, ông ngoại kín đáo hơn, đêm ngồi uống trà chợt tặc lưỡi buột miệng: "Thiệt là... vắng tiếng mấy đứa nhỏ... cũng buồn hả bà?". Sinh con đầu lòng, con gái về nhà mẹ ruột nằm cữ, cái chính là được giúp đỡ, ủi an về tinh thần và nghe dạy bảo cách chăm con. Ba, bốn tháng sau phải rời xa con và cháu, người bà, người ông không khỏi bùi ngùi, rưng rưng, đưa ra xe chờ khuất dạng mới trở vô nhà mỗi người một góc lắng đọng. Nhớ cồn cào tiếng cháu khóc oe oe, nhớ tiếng con gái lần đầu làm mẹ nựng nịu, vuốt ve núm ruột của mình...
Tối, cùng cha mẹ ra công viên chơi, thấy người ta bán bong bóng bay nhiều màu sắc, đứa nhỏ vòi vĩnh: "Má mua cho con cái bong bóng hình con thỏ nghen má?". Nói mấy lần mẹ vẫn làm ngơ, ngồi buồn thiu một lúc lại quay sang kéo tay cha, phụng phịu: "Ba... ba... mua bong bóng đi, con thương ba nhiều hơn... mẹ!". Hai người lớn nhìn nhau cười, chịu thua câu nói ấy, con mình mình thua có sao đâu!
Trưa vắng lặng chợt nghe bên hàng xóm tiếng bé gái cất giọng đong đưa theo nhịp võng ru em: "Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi", "Má ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc hái rau má nhờ"... Nhà có cháu gửi lớp lá mẫu giáo, chiều tới đón mới nghe thấy trọn vẹn niềm vui. Chỉ liếc mắt qua mấy chục đứa nhỏ chen nhau nhóng ra ngoài, cha mẹ hoặc ông bà đã nhận ra con, cháu mình. Tiếng gọi nũng nịu, bàn tay xinh xinh vẫy gọi, ánh mắt long lanh, nụ cười tròn trĩnh sao mà cảm động lạ lùng. Dừng chân bên hành lang trường tiểu học, lắng nghe nhịp thước cô giáo ngắt từng đoạn cho đám học trò đồng thanh câu: "Công cha... như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ... như nước trong nguồn chảy ra...". Âm thanh ồn ào mà nhịp nhàng thánh thiện đó, theo thời gian cùng nhiều bài học khác sẽ theo suốt dòng đời...
Tiếng trẻ trong sáng thơ ngây, dễ yêu, dễ mến làm sao! Hình như tiếng trẻ đã ban phát cho ta cảm giác, tâm trạng ôn lại những ngày thơ ấu, tạm quên vất vả cuộc sống. Để rồi dịu dàng hơn, gần gũi hơn khi nghe giọng nói bập bẹ, chưa tròn câu của lứa tuổi hồn nhiên, ví như dòng chữ đầu tiên của tờ giấy trắng...
Nguyễn Kim