Một sinh viên (SV) xa nhà, mỗi tháng cần trên dưới 3 triệu đồng để trang trải cho việc ăn học. Vì vậy, nhiều SV đã tìm việc làm thêm cho mình, vừa chia sẻ gánh nặng tài chính với gia đình, vừa tự rèn mình với thực tế cuộc sống và công việc.
Một sinh viên (SV) xa nhà, mỗi tháng cần trên dưới 3 triệu đồng để trang trải cho việc ăn học. Vì vậy, nhiều SV đã tìm việc làm thêm cho mình, vừa chia sẻ gánh nặng tài chính với gia đình, vừa tự rèn mình với thực tế cuộc sống và công việc.
Học gì làm thêm đó
SV Lê Thu Loan, nhà ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), hiện đang học năm thứ 3 khoa tiếng Anh của Trường đại học Đồng Nai cho biết, thay vì đến trung tâm gia sư tìm việc dạy kèm thì mất phí giới thiệu nên Loan đã nhờ bạn bè cùng đi làm gia sư giới thiệu cho mình một địa chỉ. Nhờ kiến thức được học khá chắc ở trường nên Loan đã vực dậy được một học trò học yếu trở thành trung bình môn tiếng Anh. Mỗi tuần Loan dạy kèm 3 buổi, mỗi buổi 3 tiếng, mỗi tháng được phụ huynh trả thù lao 1,2 triệu đồng. Việc đi làm gia sư đã cho Loan rất nhiều cái lợi: được sớm thực hành các kỹ năng sư phạm, củng cố kiến thức ở trường và chia sẻ với gia đình được gánh nặng tài chính trong quá trình ăn học. Chị Lại Thị Ngọc Duyên, Phó bí thư Đoàn trường đại học Đồng Nai cho biết, Đoàn trường thường xuyên giúp đỡ, giới thiệu địa chỉ làm thêm cho sinh viên, chủ yếu là các công việc liên quan tới ngành sư phạm, giúp sinh viên có thêm thu nhập, tạo dựng kinh nghiệm.
Trong khi đó, Phạm Thế Hanh, SV năm 2 khoa Công nghệ ô tô Trường cao đẳng kỹ thuật công nghệ Đồng Nai cho hay, đặc thù của ngành kỹ thuật là học lý thuyết tới đâu, thực hành tới đó là cách tốt nhất để củng cố kiến thức. Tuy nhiên, để thực hành ngay tại trường thì phương tiện còn hạn chế nên Hanh đã tìm đến garage ô tô gần ngã tư Amata để xin làm thêm. Lúc đầu ông chủ chỉ dám giao những công việc đơn giản, như tháo ráp ốc vít, ghế ngồi, lau rửa động cơ..., nhưng sau đó được những người thợ trong garage chỉ dẫn một số kỹ thuật nên Hanh mau chóng tiếp thu được nhiều kỹ thuật của nghề sửa chữa ô tô.
Ông Bùi Đình Viện, chủ garage ô tô mà sinh viên Phạm Thế Hanh xin làm thêm, cho biết: “Chúng tôi thường tiếp nhận những SV đã học năm 2 hoặc năm 3 vào làm thêm. Lợi thế của những SV này là có được những kiến thức cơ bản về ô tô, chỉ cần một thời gian chỉ bảo nữa là SV trưởng thành rất nhanh. Hơn nữa, các em không có đòi hỏi quá cao về thu nhập”. Mỗi tháng SV đến làm việc khoảng 8-10 buổi sẽ được trả từ 1,2 - 1,5 triệu đồng. Nhờ quá trình làm thêm tại garage nên SV sau khi ra trường có thể được nhận ngay vào làm nếu có nhu cầu.
Giữ mình khi đi làm thêm
T.H. là SV của một trường đại học tại TP.Biên Hòa tâm sự, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi tháng gia đình chỉ có thể cung cấp 1,3 triệu đồng để H. trang trải cho việc học hành, vì thế nếu không tranh thủ đi làm thêm thì không biết lấy gì để đi học. 4 năm là SV, thì từng đó thời gian, vào mỗi buổi tối H. lại đạp xe đến một quán cà phê để làm thêm từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Có những hôm khách ra về trễ nên H. cũng phải ráng ngồi đợi. H. cho biết, gần 4 năm phục vụ ở quán cà phê, đã có nhiều lần khách xin số điện thoại làm quen, nhưng người có lòng tốt thì ít mà người mất lịch sự thì nhiều.
Thực tế, khi đi làm thêm, SV cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Làm thế nào để việc làm thêm không ảnh hưởng tới việc học hành và để giữ được mình trước những cám dỗ của đồng tiền luôn là điều SV và gia đình cần phải quan tâm.
Làm việc trong môi trường nhạy cảm, đặc biệt là trong nhà hàng, SV làm thêm lại càng dễ gặp phải các tình huống khó xử. P.L làm trong một nhà hàng lớn tại Biên Hòa cho hay, công việc của L. trong nhà hàng là đứng để cho thực khách “sai vặt”, như gọi món gì, uống gì, lấy thêm đồ gì..., rồi báo cho nhà bếp biết để chế biến đưa lên phục vụ khách. Thế mà đôi khi L. cũng bị những thực khách có hành vi sàm sỡ. Có lần, vì khách có hành vi quá đáng, L. phải nhờ chủ nhà hàng ra can thiệp.
Còn N.T, SV một trường trung cấp tại Biên Hòa cho hay, đầu năm rồi, gia đình chưa kịp gửi tiền vào đóng học phí, một người bạn đã rủ T. đi cầm chiếc xe máy để lấy tiền đi tham gia bán hàng đa cấp ở một công ty tại phường Trảng Dài, nhưng T. không làm. Và rồi, T. đã xin được việc làm thêm ở một tiệm trà sữa dành cho tuổi teen với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng, làm việc từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối...
Anh Lê Sơn Quang, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng cho biết, SV của trường đi làm thêm tương đối nhiều. Ngoài kênh việc làm cho SV tự tìm kiếm, Đoàn - Hội còn giới thiệu công việc làm thêm cho SV ở những địa chỉ cụ thể, như các đợt tiếp thị sản phẩm, hội chợ triển lãm, giới thiệu việc làm cho SV với các công ty tổ chức sự kiện, siêu thị... Chương trình phát thanh của Đoàn - Hội cũng thường xuyên thông báo, truyên truyền nhằm khuyến cáo cho SV phải biết tự bảo vệ mình trước những mặt trái của việc đi làm thêm để SV vừa có tiền lại tích lũy thêm được kinh nghiệm cho cuộc sống.
Công Nghĩa