Xóm vỏn vẹn chỉ có 11 nóc nhà, lọt thỏm giữa rừng và bạt ngàn mía. Trong 11 nóc nhà của xóm lò gạch này, họ hàng của cụ Trần Tiến Đình (87 tuổi) chiếm tới 7 nóc. Bao năm qua, cư dân xóm lò gạch luôn “tối lửa, tắt đèn” bên nhau.
Xóm vỏn vẹn chỉ có 11 nóc nhà, lọt thỏm giữa rừng và bạt ngàn mía. Trong 11 nóc nhà của xóm lò gạch này, họ hàng của cụ Trần Tiến Đình (87 tuổi) chiếm tới 7 nóc. Bao năm qua, cư dân xóm lò gạch luôn “tối lửa, tắt đèn” bên nhau.
* Xóm giữa rừng
Tiết trời âm u đón chúng tôi ngay từ ngã ba Gia Canh. Khi chúng tôi đi hết đoạn đường nhựa thì trời đổ mưa như trút nước. Để vào xóm lò gạch (ở khu dân cư 4, ấp 10, xã Gia Canh, huyện Định Quán), chúng tôi phải men theo con đường ven cánh đồng mía. Theo hướng dẫn của anh Trần Tiến Tổng (con trai út ông Đình) qua điện thoại, chúng tôi phải đội mưa thêm nửa giờ mới đến nơi.
Chị Lê Thị Nga cùng các con và chị Vĩnh (con cụ Đình) đang tỉa đậu trên đất trồng mía mà các chị đã mượn của hộ dân khác. |
Anh Tổng cho biết, nóc nhà đầu xóm là của xóm trưởng Lê Thị Nga. Tiếp theo là 7 nóc nhà của đại gia đình ông Đình, gồm: ông Đình, các anh Viễn, Thân, Vĩnh, Soái, Thái, Thi và 3 người hàng xóm là Quyến, Hằng, Hoàng Thị Nga. Anh Tổng cho hay, anh là thế hệ được sinh ra và lớn lên từ xóm lò gạch. Cái xóm này được hình thành từ những năm sau giải phóng, còn gia đình anh thì vào làm lò gạch từ năm 1986. “Năm 1992, nơi đây không còn tồn tại các lò gạch và cũng từ đó số công nhân làm gạch tản mác đi nhiều nơi lập nghiệp. Vì vậy, hiện nay chỉ còn lại 5 hộ gia đình bám trụ ở đây” - anh Tổng nói.
Trong tấm áo mưa che đầu, anh Tổng đón chúng tôi ngay từ đầu xóm và dẫn vào nhà. Hôm nay, nhà anh Tổng có chuyện vui nên mọi người có mặt đầy đủ ở nhà để chuẩn bị lễ vật sang bên kia sông (thuộc xã Đức Tín, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) hỏi vợ cho anh trai Trần Tiến Tấn (32 tuổi). Cụ Trần Tiến Đình cho hay, trai gái trong xóm này đều được dựng vợ gả chồng ở bên kia sông hoặc quen nhau khi rời xóm làm ăn.
9 giờ sáng, mặt trời vừa ló dạng, bà Trần Thị Viễn (vợ cụ Đình) cùng con trai, con gái và hai đứa cháu xách giỏ đi hỏi vợ cho con trai. Anh Tổng xin bố mẹ cho ở nhà để tiếp chuyện và dẫn chúng tôi đi thăm các nóc nhà trong xóm. Anh Tổng cho biết rất vui khi chúng tôi ghé thăm cái xóm lò gạch nằm khuất sâu giữa bạt ngàn mía và rừng. Bao lâu nay, người dân trong xóm luôn dành tình cảm đặc biệt để tiếp đón khách của mình bằng bữa cơm thân mật với cây nhà lá vườn, như: gà, vịt nuôi trong chuồng, cá bắt được dưới sông, rau rừng.
Ngôi nhà đầu tiên trong xóm lò gạch mà chúng tôi được anh Tổng đến thăm là nhà anh Trần Tiến Thi (họ hàng với gia đình anh Tổng). Anh Thi hiện đang ở cùng vợ, mẹ già và 2 con nhỏ. Sau vài câu xã giao với khách, anh Thi không quên hỏi thăm chúng tôi về nỗi vất vả khi tìm đường vào đây, nhất là giữa lúc trời mưa như trút nước. Anh Thi tâm sự, 10 năm trở lại đây, cuộc sống của cư dân xóm lò gạch mới được bên ngoài biết đến nhiều hơn, được chính quyền xã quan tâm hỗ trợ làm nhà tình thương. Còn trước kia, cư dân xóm lò gạch sống biệt lập, tự cung tự cấp và rất ít ra bên ngoài giao lưu.
* Kết tình viên gạch
11 nóc nhà của cư dân xóm lò gạch nằm gọn trong diện tích 4 héc ta, được bao bọc bởi khúc sông La Ngà và tiểu khu 14 rừng phòng hộ Tân Phú. Bà Trần Thị Chữ (mẹ anh Thi) cho biết: “Năm 1992, lò gạch giải tán, dân làm gạch vì vậy cũng tản mác đi tứ xứ làm ăn. Xóm lò gạch chỉ còn gia đình bà, gia đình cụ Đình, cô Lê Thị Nga (xóm trên), cô Hoàng Thị Nga (xóm dưới), chú Quyên, cô Hằng bám trụ ở lại. Lúc ấy, nơi đây vẫn còn bạt ngàn rừng, giao thương với bên ngoài phương tiện chính là đôi chân và xe đạp. Do sống tách biệt với trung tâm xã Gia Canh, cư dân xóm lò gạch chống chọi lại cô đơn, nghèo khó bằng tình thân và kết dính với nhau như viên gạch được đúc ra từ một khối đất”.
Sau cơn mưa, đường càng trơn trợt. Chúng tôi bước theo anh Tổng sang nhà ông Lê Văn Quyến chơi. Nghe chó sủa đầu ngõ, ông Quyến bước ra cửa đón chúng tôi vào nhà bằng nụ cười rất tươi. Sau khi pha bình trà nóng mời khách, ông Quyến mở đầu câu chuyện rằng, nhà ông và cụ Đình từng là nơi giữ trẻ hộ cho các cặp vợ chồng trẻ hoặc góa bụa của cư dân xóm lò gạch và các ông luôn xem việc giữ trẻ hộ cho họ là trách nhiệm, sự sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ. Ông Quyến nói: “Thời kỳ khó khăn, chúng tôi chia nhau từng con cá, vốc muối, lon gạo để sống. Gặp tháng đói ngặt thì trái bắp, củ khoai còn non trên rẫy cũng bẻ, đào vội về chia nhau. Bao lâu nay chúng tôi chung sống như anh em một nhà”.
Nếu không được sự hỗ trợ từ các hộ dân trong xóm lò gạch thì những người phụ nữ góa chồng như chị Hằng, hai chị Nga không biết xoay sở ra sao khi nhà hết gạo, con đau bệnh, rẫy bắp, khoai thì bị nước lũ cuốn trôi... Chị Lê Thị Nga bộc bạch: Sáng tôi phải gửi hai đứa nhỏ sang nhà cụ Đình để đi làm cỏ, chăn bò thuê cho các hộ dân bên ngoài. Cứ vậy, tụi nhỏ lớn lên theo sự cưu mang của bà con trong xóm. Nay đứa con gái lớn của tôi đang chuẩn bị thi đại học, con gái kế thì lên lớp 10”. Còn chị Hoàng Thị Nga và chị Hằng thì tâm sự, nhờ sự bao bọc tình cảm, vật chất của bà con trong xóm lò gạch nên những người phụ nữ neo đơn nuôi con nhỏ như các chị mới không không lẻ loi, đơn độc nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Đồng thời, các chị thêm tự hào khi cùng mọi người vượt qua khốn khó và nuôi con trưởng thành.
Sau khi cùng chúng tôi thăm hết 11 nóc nhà của dân cư xóm lò gạch, anh Tổng mời chúng tôi về nhà đãi cơm trưa. Theo thiển ý của anh Tổng, những món mà anh sẽ đãi chúng tôi trưa nay, gồm: con chuột đồng vừa bẫy được tối qua, vài chú cá lóc sông chiên xù, rau rừng nấu canh. “Thêm một tí rượu để cho các anh giữ ấm khi bị mưa rừng lúc vào đây và một chút tình để đôi bên nhớ nhau hơn qua bữa cơm hôm nay”- anh Tổng nói.
Anh Trần Tiến Thân (anh trai anh Tổng) cho biết, anh được xã Gia Canh phân công nhiệm vụ phụ trách an ninh trật tự (công an viên) của xóm lò gạch. Nhưng thực tế anh “bị thất nghiệp” vì từ ngày hình thành xóm lò gạch đến nay bà con trong xóm đã là một khối đoàn kết, kết tình như viên gạch được đúc ra từ một khối đất nên sống chan hòa, thủy chung cùng nhau.
Đoàn Phú