Lần giở trong văn chương Việt Nam, chúng ta bắt gặp những câu chuyện về mẹ thật cảm động. Còn người cha ít được nói đến hơn, nhưng không phải không có những tác phẩm viết thật cảm động. Một bông hồng cho cha của nhà văn Võ Hồng là một trong những thiên tùy bút nổi tiếng về người cha.
Lần giở trong văn chương Việt Nam, chúng ta bắt gặp những câu chuyện về mẹ thật cảm động. Còn người cha ít được nói đến hơn, nhưng không phải không có những tác phẩm viết thật cảm động. Một bông hồng cho cha của nhà văn Võ Hồng là một trong những thiên tùy bút nổi tiếng về người cha.
Người cha trong tùy bút hiện lên thật gần gũi, cảm động biết bao. Cha không chỉ chăm sóc cho mẹ khi mẹ mang thai mà còn giặt cả tã lót, làm tất cả những gì tốt đẹp nhất vì con.
Cha và con xưa kia sở dĩ gần nhau và thân thiết với nhau nhiều hơn bởi lẽ cha con cùng nhau cày cấy, cùng nhau ra đồng. Xã hội ngày càng văn minh tiến bộ càng phân công công việc một cách rạch ròi, và khi ấy cha con mỗi người mỗi nghề nên không gần gũi và thân thiết như xưa.
Xã hội đã không ít lần lên án, báo chí đã tốn không ít giấy mực bởi ngoài đời có bao đứa con bất hiếu với mẹ cha với những hành vi bội bạc. Khi làm điều ấy không biết họ có nhớ đến cái thời “ta lên năm lên mười… Hãy nhìn những đứa ba tuổi làm nũng với cha. Bắt cha bế chạy nhong nhong. Bắt phải dắt ra cổng nhìn xe cộ… Trên đường đi phải nắm tay cha, thỉnh thoảng nhìn lên mặt cha, dẫu là khuôn mặt tầm thường hay xấu xí”.
Người xưa nói “trẻ cậy cha, già cậy con”. Cha dẫu già nua, yếu đuối nhưng rất ngại phiền con nên thường âm thầm chịu đựng “Tuổi càng cao, khổ càng chồng chất, dâu, rể không ăn hiếp thì có con muỗi, con kiến ăn hiếp thay. Cứ cắn, cứ chích, nạn nhân thấy đau đâu thì đập đó chớ mắt mờ đâu còn thấy rõ. Nhìn lên bầu trời, đâu còn thấy chòm Bắc Đẩu mà mới ngày nào lững thững dắt con đi trong sân cha chỉ cho con nhìn”. Những lúc ấy, cha cần con biết nhường nào. Cha cũng không mong gì quà cáp con gửi về, người già hay tủi thân nên rất cần con quan tâm thăm hỏi.
Hạnh phúc cho những ai trên đời còn mẹ, còn cha và đau khổ thay cho ai không còn cha còn mẹ. Hàng năm, ngày lễ Vu Lan, ngoài cài hoa hồng đỏ cho mẹ, nhiều ngôi chùa còn cài thêm dải nơ tượng trưng cho cha. Nơ xanh: cha còn; nơ trắng: cha mất. Theo quy luật của tự nhiên, rồi sẽ có một ngày tất cả chúng ta đều mất mẹ, mất cha. “Trả hiếu không bao giờ đủ, không được coi là dư, bởi tình cha thương con là “cho” chớ không phải “cho vay” để có thể gọi là trả đủ”.
Tùy bút Một bông hồng cho cha là một trong tập 5 tùy bút của nhà văn Võ Hồng do Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
Trung Kiên