“Có những đêm tôi âm thầm khóc cho số phận của mình, thương những vất vả của bố mẹ tôi, nhưng rồi tôi tự lau nước mắt và lại mỉm cười vì biết xung quanh mình còn có tình thương bao la của bố mẹ, gia đình, sự quan tâm của xã hôi và tình yêu của bạn bè…”.
“Có những đêm tôi âm thầm khóc cho số phận của mình, thương những vất vả của bố mẹ tôi, nhưng rồi tôi tự lau nước mắt và lại mỉm cười vì biết xung quanh mình còn có tình thương bao la của bố mẹ, gia đình, sự quan tâm của xã hôi và tình yêu của bạn bè…”.
Đó là những lời tự sự của Đinh Thị Hoàng Loan, 33 tuổi, ở TP.Biên Hòa, tác giả của tập thơ Cảm ơn cuộc đời (NXB Đồng Nai, 2011). Cha của Hoàng Loan tham gia bộ đội từ năm 1969. Trong thời gian ở Chiến khu Đ, ông cùng đồng đội đã nhiều lần bị máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trực tiếp vào trận địa. Vì thế, khi sinh ra, Hoàng Lan đã bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.
Hai người em kế tiếp của Hoàng Loan may mắn lành lặn và khỏe mạnh. Khi người em thứ hai (SN 1980) đi học lớp một, về nhà em chơi trò dạy học cho trẻ em cùng xóm, Hoàng Loan chăm chú lắng nghe và lấy bút vẽ trên mặt giấy những nét chữ em gái dạy. Nhưng bàn tay em cong cong vẹo vọ nên chỉ thành những nét gạch xóa run rẩy. Cha mẹ em đi làm về thấy con gái nằm bò trên sàn nhà hì hục say mê “vẽ chữ”. Thương quá, ông bà liền bảo cô em dạy chữ cho chị. Thế là cô em gái lớp một trở thành thầy giáo dạy chữ cho Loan. Thế mà Loan dần “đọc thông viết thạo”. Cha Loan tìm những cuốn sách truyện về cho em đọc. Từ đó thế giới của Loan không cô độc nữa. Cho đến một hôm Loan cầm bút làm thơ. Đấy là một ngày cuối tháng 5-2007. Bài thơ đầu tiên Loan viết là bài Bàn chân của tôi, trong đó có đoạn:
Bàn chân cong cong, ngón chân bé nhỏ
Mắt mẹ buồn theo năm tháng thời gian
Những vết nhăn hằn sâu trên trán bố
Miệng thì cười nước mắt chảy vào tim…
Với Loan, việc nói vẫn rất khó khăn, phải cố gắng gồng hết các cơ trên khuôn mặt mới diễn đạt được ý của mình nhưng từ nay Loan đã có một phương tiện giao tiếp mới, đó là những vần thơ mộc mạc, đơn sơ.
Những ngày tháng ấy, có một sự kiện quan trọng đến với Loan, đó là những cán bộ, nhân viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tìm đến thăm em. Trong thơ, Loan gọi sự kiện này là “phép mầu”. Loan còn làm thơ tặng Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Hạnh: “Chắp đôi cánh cô cho con hạnh phúc/ Giúp cho con có thêm những ước mơ/ Và từ đó con càng yêu cuộc sống” (Nhớ mãi).
Trong thơ của Loan, những người được em nhắc tới là cha mẹ: “Những vết nhăn hằn sâu trên trán bố”, “À ơi, con ngủ ngon lành/ Trong vòng tay mẹ ngọt ngào lời ru”. Hoàng Loan viết về những người yêu thương của mình, về bà ngoại, về các em, các cháu, về bác Len Adis “một trái tim kết nối những trái tim”, về những người bạn, về con mèo, con cún… Tâm hồn em trải rộng với thiên nhiên, nắng, mưa, trăng, biển, cánh đồng… Những mùa xuân đến cũng đem cho em sự náo nức “Mùa xuân xôn xao ngoài cửa sổ/ Mở cửa ra cho nắng tung tăng vào”.
Em thao thức với những ước mong đơn sơ, cháy bỏng của mình - ước mong được là một người lành lặn, như bao đứa trẻ lành lặn khác:
Tôi mơ ước được học hành ca hát
Ngắm mây trời biển cả rộng mêng mông
Được e ấp nói những lời thương nhớ…
(Giọt lệ da cam)
Đinh Thị Hoàng Loan đang còn trẻ. Bên trong cơ thể tàn tật của em vẫn là một con tim nóng hổi khao khát đập nhịp của tình yêu đôi lứa. Những rung động đầu đời, những thổn thức yêu thương mong nhớ đã mượn thơ bày tỏ:
Sông Ngân Hà đôi bờ xa cách
Đã có cầu Ô Thước bắc sang
Hai ta kẻ Bắc người Nam
Nghìn trùng cách trở nào đâu nhịp cầu?
(Cách biệt)
Nhưng cũng như những ước mong bình thường trên kia, di chứng của chất độc da cam đã cướp đi tất cả. Nỗi đau là thế, sự mất mát, vô vọng là thế, nhưng Đinh Thị Hoàng Loan lại sở hữu một trái tim nhân hậu, bao dung. Loan đặt tên tập thơ đầu tiên của em là Cám ơn cuộc đời (tên một bài thơ trong tập). Những thông điệp Loan mang tới là thông điệp của yêu thương. Như những người con của dân tộc này em đã tha thứ cho kẻ thù của mình, kẻ gieo rắc đau thương cho bao nạn nhân vô tội, gieo rắc đau thương cho cả chính đồng bọn của họ.
Đinh Thị Hoàng Loan làm thơ có thể gọi là một hiện tượng lạ. Với vốn học vấn rất ít ỏi, chưa hề được đến trường, sách vở tiếp xúc cũng rất hạn chế thế mà những câu thơ Loan viết không hề mắc phải sự vụng về, ngô nghê câu chữ.
Đây là một mảnh tâm hồn rất đáng quý, thánh thiện, đáng trân trọng. Chính em đã góp phần vén lên tấm màn u ám của khổ đau, bệnh tật. Cái nhìn ấm áp, lạc quan của Loan như nhắc những người cùng cảnh ngộ với em và tất cả chúng ta hãy tin yêu cuộc sống hơn.
Đàm Chu Văn